Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tạo để giữ vững danh hiệu

09:05, 05/05/2014

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, tính đến nay, trong tổng số 927 ấp, khu phố được công nhận ấp, khu phố văn hóa có 133 ấp, khu phố liên tục giữ vững danh hiệu này từ 10-13 năm liền.

Theo Ủy ban MTTQ tỉnh, tính đến nay, trong tổng số 927 ấp, khu phố được công nhận ấp, khu phố văn hóa có 133 ấp, khu phố liên tục giữ vững danh hiệu này từ 10-13 năm liền.

Bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết để giữ vững danh hiệu ấp, khu phố văn hóa liên tục nhiều năm liền, Ban vận động “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (gọi tắt là Ban vận động) của từng ấp, khu phố đã có những cách làm sáng tạo gắn với tình hình thực tế của địa phương.

* Bám sát thực tiễn

Tân Thành (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) là ấp có đông công nhân từ nơi khác tập trung về ở trọ nên rất dễ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp. Ban công tác Mặt trận ấp đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền tổ chức những buổi tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ, nhà nghỉ và công nhân thuê trọ để truyền đạt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Những kiến thức có được từ những buổi sinh hoạt này đã giúp người dân nắm bắt và chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an ninh trật tự, bài trừ các tệ nạn xã hội và giữ gìn vệ sinh môi trường. Ông Vũ Ngọc Hin, một chủ nhà trọ tại ấp Tân Thành cho hay: “Từ những buổi tuyên truyền về kiến thức pháp luật mà người dân, nhất là công nhân ở trọ hiểu biết hơn về pháp luật để tự điều chỉnh hành vi trong cuộc sống, tránh vi phạm pháp luật”.

Một buổi tuyên truyền về pháp luật tại nhà cho công nhân và người dân do Ban vận động ấp Tân Thành (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) tổ chức.
Một buổi tuyên truyền về pháp luật tại nhà cho công nhân và người dân do Ban vận động ấp Tân Thành (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) tổ chức.

Còn cách làm của Ban vận động ấp Lò Than (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) lại dựa trên nguyện vọng của người dân. Ông Đào Văn Hòa, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, cho hay hiểu được mong muốn của người dân về một  đường điện kéo ra đồng để giảm chi phí tưới tiêu vì chạy máy tưới bằng dầu hay xăng rất tốt kém, ban vận động của ấp đã đứng ra làm cầu nối để tập hợp mọi người cùng chung tay đóng góp xây dựng đường điện ra đến tận đồng.

Hay như tại ấp Võ Dõng 3 (xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất), với 100% người dân trong ấp là đồng bào có đạo, ban vận động ấp đã phối hợp cùng chức sắc tôn giáo tại địa phương tổ chức nhiều cuộc vận động nhân dân sống tốt đời, đẹp đạo bằng cách chung tay xây dựng gia đình văn hóa, kết cấu hạ tầng. Kết quả, đến nay 99% số hộ gia đình trong ấp đạt chuẩn văn hóa; ấp đã xây dựng và nâng cấp tuyến đường liên ấp dài hơn 3km; người dân tự nguyện hiến 20 ngàn m2 đất và tháo dỡ nhiều công trình phụ để mở rộng một số tuyến đường nội bộ trong ấp mà không nhận tiền đền bù… Bên cạnh đó, để khích lệ tinh thần cho người dân trong ấp, hàng năm ấp còn tổ chức bình xét công khai và đề nghị UBND xã khen thưởng những hộ gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền, những cá nhân, tập thể tích cực thực hiện cuộc vận động…

* Hiệu quả tích cực

Cùng với việc giữ vững danh hiệu, ấp, khu phố văn hóa, bộ mặt kinh tế - xã hội ở những ấp, khu phố văn hóa cũng đã có sự phát triển vượt bậc. Cụ thể, từ năm 2000 đến nay, thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, Đồng Nai đã vận động xây dựng được 16.976 căn nhà tình thương, trị giá hơn 196 tỷ đồng; vận động sửa chữa 1.460 căn nhà, trị giá gần 5,2 tỷ đồng. Từ kết quả này, Đồng Nai đã cơ bản xóa được nhà dột nát.

Bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh:

“Để được công nhận ấp, khu phố văn hóa, ngoài các tiêu chí của Trung ương, các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh còn phải lồng ghép một số nội dung thi đua của đơn vị mình vào quá trình thực hiện việc xây dựng ấp, khu phố văn hóa, như: “Khu dân cư đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”, “Khu dân cư thực hiện 4 giảm”, “Khu dân cư sức khỏe”… Điều này góp phần làm cho ấp, khu phố ngày càng phát triển, được người dân đồng tình”.

Ông Đào Văn Hòa, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Lò Than (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ), nói: “Mỗi năm, thông qua ban vận động, người dân trong ấp đã chủ động đóng góp để xây dựng 2 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Kết quả là đến nay 100% hộ gia đình trong ấp đã có nhà kiên cố, ấp đã xóa được cảnh nhà tạm, nhà nát”.    

Bên cạnh đó, các phong trào trợ vốn giúp nhau làm kinh tế, tiến tới xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng trong cộng đồng dân cư cũng được đẩy mạnh. “Ở ấp Võ Dõng 3, việc tuyên truyền để bà con ý thức được tầm quan trọng trong việc giúp nhau làm kinh tế luôn được chú trọng. Cách làm ở đây là hộ nào khá giả thì cho hộ nghèo vay vốn, trợ giúp con giống hoặc hàng hóa để hộ nghèo có điều kiện đầu tư sản xuất - kinh doanh cùng nhau vươn lên thoát nghèo” - ông Nguyễn Duy Đạt, Trưởng ấp Võ Dõng 3, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, nói.

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều