Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc"

09:05, 05/05/2014

60 năm trôi qua, trong ký ức của người dân Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay mãi tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ phương án chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh", quân đội ta đã thay đổi sang chiến thuật "đánh chắc, tiến chắc"  và mang lại chiến thắng thật huy hoàng.

60 năm trôi qua, trong ký ức của người dân Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ hôm nay mãi tự hào về chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ phương án chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh”, quân đội ta đã thay đổi sang chiến thuật “đánh chắc, tiến chắc”  và mang lại chiến thắng thật huy hoàng.

Sau 8 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội chủ lực của ta đã trưởng thành nhiều mặt, nhiều đại đoàn của ta được thành lập. Lực lượng của ta dù đông hơn đối phương nhưng lại chưa có kinh nghiệm đánh công kiên lớn trên cấp tiểu đoàn. Theo lý thuyết quân sự “Ba tấn một thủ”, bên tấn công phải mạnh hơn bên phòng thủ ít nhất là 3 lần cả về quân số và vũ khí mới cân bằng lực lượng. Về lực lượng ta đạt tỷ lệ này, nhưng về vũ khí, nhất là về hỏa lực mạnh ta lại kém xa quân Pháp. Lực lượng pháo binh của ta được xe kéo đến cách trận địa 15km thì không còn đường vào, phải kéo pháo bằng tay, chậm gấp đôi so với thời gian dự kiến; hầm cho pháo cũng chưa chuẩn bị xong, đạn pháo chưa đầy đủ; dân công tiếp tế lương thực nuôi dưỡng bộ đội cũng chưa đến kịp.

Việc tiếp cận các đồn bót của quân Pháp không dễ dàng, vì sau khi nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, công việc đầu tiên của chúng là san phẳng mọi chướng ngại vật trong thung lũng nhằm tạo điều kiện tối đa cho tầm nhìn và tầm tác chiến của các loại hỏa lực. Để có thể xung phong tiếp cận hàng rào, bộ đội ta phải vận động khoảng 200m giữa địa hình trống trải, dày đặc kẽm gai và bãi mìn, phơi mình trước hỏa lực của Pháp mà không hề có xe thiết giáp và chướng ngại vật che chắn, do đó dù đông đảo tới đâu cũng sẽ bị bom, pháo và đại liên của Pháp gây sát thương.

Khó khăn lớn nhất của quân đội ta là khâu tiếp tế hậu cần. Tướng Navare cho rằng Điện Biên Phủ ở xa hậu cứ Việt Minh 300-400km, qua rừng rậm, núi cao, quân ta không thể tiếp tế lương thực, đạn dược cho các đại đoàn, giỏi lắm chỉ một tuần lễ là bộ đội ta phải rút lui vì cạn tiếp tế. Trái lại, quân Pháp được tiếp tế bằng máy bay. Vì vậy, các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã đánh giá tự tin cho rằng Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại”, là “cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh”, nếu Việt Minh tấn công sẽ chỉ chuốc lấy thảm bại.

Đối với bộ đội chủ lực của ta, thời điểm đó chưa có kinh nghiệm trong việc đánh các công sự liên hoàn trong một cứ điểm. Mặt khác, trận Điện Biên Phủ là trận đánh hiệp đồng lớn, nhưng pháo binh và bộ binh chưa qua tập luyện, chưa qua diễn tập. Quân đội ta cho tới lúc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng chỉ quen tác chiến ban đêm, ở địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm tấn công ban ngày trên địa hình bằng phẳng, nhất là đối với một đối phương có ưu thế về máy bay, pháo binh, xe tăng.

Về công tác bảo đảm hậu cần, theo Tổng cục Cung cấp của ta lúc bấy giờ tính toán: phải huy động cho chiến dịch 4.200 tấn gạo, 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường… Tất cả phải vận chuyển qua chặng đường dài 500km, phần lớn là đèo, dốc hiểm trở, máy bay Pháp thường xuyên đánh phá. Để có 1kg gạo đến Điện Biên Phủ, một người gánh 25kg gạo thì dọc đường sử dụng hết 24kg. Nếu vận chuyển hoàn toàn bằng dân công gánh bộ, phải huy động 60 vạn tấn gạo và cần tới 2 triệu dân công để gánh. Cả 2 số liệu này đều cao gấp nhiều lần so với kế hoạch dự kiến ban đầu của ta.

Với những lý do trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng phải tổ chức lại trận đánh theo phương án “Đánh chắc, tiến chắc”, theo kiểu “đánh bóc vỏ” dần tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, bằng tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Hữu Thủy

 

 

Tin xem nhiều