Báo Đồng Nai điện tử
En

Trung đoàn 88 - Đoàn Tu Vũ: Giữ vững truyền thống chiến sĩ Điện Biên

09:05, 05/05/2014

Trung đoàn 88  còn gọi là Đoàn Tu Vũ, thuộc Đại đoàn quân tiên phong 308 trong chiến tranh chống Pháp.

Trung đoàn 88  còn gọi là Đoàn Tu Vũ, thuộc Đại đoàn quân tiên phong 308 trong chiến tranh chống Pháp.

Chiến đấu với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, đơn vị đã góp phần cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiện tại Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn 302, Quân khu 7, là một trong những trung đoàn quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

* Đã đánh là thắng

Vào những ngày đầu tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) thăm Trung đoàn 88. Mùa khô tháng 5, cái nắng ngoài trời hết sức oi bức như muốn thiêu đốt mọi thứ, vậy mà trong khuôn viên trung đoàn không khí vẫn dịu mát vì được che chắn bởi hàng trăm bóng cây cổ thụ được cán bộ, chiến sĩ trung đoàn trồng cách đây hàng chục năm. Dưới các tán cây ở thao trường huấn luyện, hàng trăm chiến sĩ mới nhập ngũ đợt 1-2014 vẫn hừng hực khí thế thi đua học tập, rèn luyện kỹ thuật chiến đấu để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88 thường xuyên rèn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88 thường xuyên rèn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Tiếp chúng tôi tại nhà khách của Sở chỉ huy trung đoàn, Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Chính ủy Trung đoàn 88, phấn khởi cho biết đơn vị đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành chương trình huấn luyện giai đoạn 1-2014 cho lớp chiến sĩ mới nhập ngũ và đẩy mạnh các hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 39 năm giải phóng miền Nam, 124 năm sinh nhật Bác Hồ. Do vậy, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nỗ lực thi đua hết mình để giành được thành tích cao nhất theo nội dung phát động của Quân khu 7 và Bộ Quốc phòng.

Nhắc lại trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, Thượng tá Vũ Anh Tuấn cho biết,  với truyền thống đánh đâu thắng đấy nên sau  khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (17 giờ ngày 13-3-1954) thì đêm 14 rạng 15-3, Trung đoàn 88 được Đại đoàn 308 giao nhiệm vụ đánh trận đầu tiên vào cứ điểm đồi Độc Lập. Đây là cứ điểm được coi là “cánh cửa thép” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với trận địa phòng ngự vững chắc, nằm cách trung tâm Mường Thanh 4km hòng chốt chặn các mũi tiến công của quân ta từ Lai Châu xuống.  3 giờ 30 phút sáng ngày 15-3, sau khi đã vượt qua bao gian khổ hiểm nguy vì mưa rừng và mưa đạn pháo của địch, Trung đoàn 88 đã chiếm lĩnh trận địa và bắt đầu nổ súng tiến công vào cứ điểm Độc Lập. Địch phản ứng bắn chặn dữ dội. 6 giờ 30 phút sáng 15-3, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm Độc Lập, tiêu diệt toàn bộ 1 tiểu đoàn tăng cường của địch, bắt sống 350 tên, trong đó có 2 tên quan tư.

Sau 5 ngày tiến công quyết liệt, đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc nhanh gọn. Cùng với các đơn vị bạn, Trung đoàn 88 đã đánh tan cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, tiêu diệt và bắt sống 3 tiểu đoàn gồm 2 ngàn tên địch, phá vỡ toàn bộ các cụm cứ điểm ở cửa ngõ, mở thông con đường vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, uy hiếp sân bay Mường Thanh để rồi vào đợt 2, đợt 3 của chiến dịch, Trung đoàn 88 cùng các đơn vị bạn đã tiến công dũng mãnh, đánh chiếm sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc chiến dịch với việc bắt sống tướng De Castries  và toàn bộ Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ngay tại sào huyệt của chúng.

* Giữ vững truyền thống chiến sĩ Điện Biên

Truyền thống của Trung đoàn 88 - Đoàn Tu Vũ được xây dựng nên bởi công sức, mồ hôi, xương máu của bao lớp cán bộ, chiến sĩ đi trước. Đó là anh hùng Nguyễn Quốc Trị đánh từ trên đầu kẻ thù đánh xuống trong trận tiêu diệt đồn Thằn Lằn, là chiến sĩ Vũ Đức Chư đánh tuốt xương sống địch trong trận Tu Vũ và hình ảnh anh hùng Nguyễn Văn Ty trong trận đánh đồi Độc Lập, là Đỗ Văn Lẹ với 12 quả đạn diệt 12 xe tăng trong một trận chiến đấu, là Phạm Ngọc Đào một mình một mũi tiến công diệt 75 tên địch, là Trần Ngọc Thố một mình bắt sống xe tăng địch giữa ban ngày v.v…

Theo Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Trung đoàn 88 (còn gọi là Đoàn Tu Vũ) được thành lập vào ngày 1-7-1949, trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua quá trình chiến đấu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ngay sau khi ra đời Trung đoàn 88 đã liên tục tổ chức nhiều trận đánh làm bạt vía, kinh hồn quân thù. Trong 9 năm chống Pháp, Trung đoàn 88 đã trực tiếp tham gia 8 chiến dịch lớn, đánh 242 trận, diệt và bắt sống 5.125 tên địch, bắn cháy 175 xe cơ giới, trong đó có 102 xe tăng, thu hàng ngàn súng các loại và phương tiện chiến tranh. Trong những trận thắng nêu trên, có những trận tiêu biểu đã đi vào lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam như trận Tu Vũ trong Chiến dịch Hòa Bình năm 1952, tạo thế và lực để quân và dân ta mở Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Sau chiến thắng đó, Trung đoàn 88 đã vinh dự được Bác Hồ khen ngợi và gọi tên là Trung đoàn Tu Vũ.

Quá khứ, hiện tại và tương lai như một dòng chảy, là sự kết nối tất yếu của lịch sử. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88 hôm nay rất đỗi tự hào về truyền thống của Đoàn Tu Vũ anh hùng. Vinh dự, tự hào được mang trong mình hào khí của chiến sĩ Điện Biên năm xưa, nên trong giai đoạn cách mạng mới, Trung đoàn 88 được Quân khu 7 và Sư Đoàn 302 tin tưởng giao nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng cơ động khắc phục hậu quả thiên tai và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác.

Để có thể hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đó, trong những năm qua, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội, đơn vị đã tạo được sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và quần chúng. Nội bộ đơn vị đoàn kết, thống nhất cao, chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, xây dựng môi trường văn hóa có sự tiến bộ vững chắc. Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã không ngừng lao động sáng tạo, tạo ra bước chuyển biến rõ nét trong công tác hậu cần, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội không ngừng được cải thiện. Môi trường cảnh quan đơn vị ngày càng thêm xanh, sạch, đẹp, chính quy; môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh chính là tiền đề để mỗi cán bộ, chiến sĩ rèn luyện, phấn đấu trưởng thành, góp phần xây thêm nhiều chiến công mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đức Việt

 

 

 

Tin xem nhiều