Nhân kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 29-4, Tỉnh đoàn đã tổ chức buổi giao lưu "Tuổi trẻ Đồng Nai - Tự hào những trang sử vàng" tại hội trường Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
Nhân kỷ niệm 39 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 29-4, Tỉnh đoàn đã tổ chức buổi giao lưu “Tuổi trẻ Đồng Nai - Tự hào những trang sử vàng” tại hội trường Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh.
Trung tướng Lê Nam Phong (thứ 2, từ trái qua) trong buổi giao lưu. |
Nhắc đến “Đại đội đầu trọc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, không thể không nhắc đến Trung tướng Lê Nam Phong. Tuy đã gần 90 tuổi, nhưng Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 vẫn còn minh mẫn. Ký ức về một thời máu lửa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Với giọng kể hài hước, ông đã mang đến cho đoàn viên thanh niên câu chuyện hấp dẫn về Điện Biên cách đây 60 năm.
Theo lời kể của Trung tướng Lê Nam Phong, sau khi đánh xong đồi Độc Lập, đại đội của ông được giao nhiệm vụ đánh vào cứ điểm xung quanh sân bay Mường Thanh để chặn đường tiếp tế lương thực của địch. Đại đội phải trú ẩn trong một cái hầm ẩm ướt, quần áo chưa kịp khô đã phải mặc. Khó chịu nhất là lúc nào bùn đất cũng bám vào tóc gây nấm. Không còn cách nào khác, ông đã tiên phong cạo đầu và huy động đồng đội làm theo. Cũng kể từ đó, đại đội của ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho biệt danh “Đại đội đầu trọc” và ông là “Đại đội trưởng đầu trọc”.
Vừa đối mặt với hiểm nguy từ phía địch, vừa phải sống trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng sau hàng chục ngày đêm chiến đấu ông và đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ đánh phá sân bay Mường Thanh, đồi Độc Lập và cuối cùng là đánh chiếm toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries.
Trong buổi giao lưu, đoàn viên thanh niên còn có cơ hội hiểu thêm về chiến dịch tiến công tuyến phòng thủ Xuân Lộc - Long Khánh qua câu chuyện của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Chín, người có 10 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, trực tiếp tham gia chiến dịch tiến công Xuân Lộc. Ông Trần Văn Chín khi ấy thuộc Trung đoàn 4 (Sư đoàn 6) nhận nhiệm vụ chặn địch, đánh chốt của địch từ đèo Mẹ Bồng Con, dọc quốc lộ 1 đến Bàu Cá không cho địch từ Long Khánh rút về Biên Hòa và không cho địch từ Biên Hòa chi viện cho Long Khánh. Sau nhiều ngày chiến đấu, đơn vị của ông đã giải phóng 18km từ đèo Mẹ Bồng Con đến Bàu Cá. Trong trận đánh Xuân Lộc, có thời điểm địch được tăng cường, lực lượng mạnh khiến ta gặp khó khăn, phải thay đổi chiến thuật. Nhưng với tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm, sau 12 ngày đêm chiến đấu, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, Long Khánh được giải phóng.
Những câu chuyện tại buổi giao lưu cho dù đã được sử sách ghi lại song khi được kể từ các nhân chứng lịch sử lại có sức hấp dẫn, lôi cuốn người nghe đến kỳ lạ. Đoàn viên Võ Nguyễn Thúy Hằng (huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Qua những câu chuyện do các nhân chứng lịch sử kể lại, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Những buổi giao lưu như thế này là dịp để thế hệ trẻ chúng tôi ôn lại truyền thống, được trau dồi thêm kiến thức lịch sử và hơn cả là được tiếp thêm sức mạnh, tự tin vững bước trên con đường hội nhập”.
Nga Sơn