Ông Lê Văn Ngãi, 78 tuổi, nguyên Phó giám đốc Công ty thép Biên Hòa (Vicasa, Khu công nghiệp Biên Hòa 1), đảng viên Chi bộ KP.5, phường An Bình, TP.Biên Hòa, chia sẻ: Vinh dự lớn nhất của đời ông là được gặp Bác Hồ.
Ông Lê Văn Ngãi, 78 tuổi, nguyên Phó giám đốc Công ty thép Biên Hòa (Vicasa, Khu công nghiệp Biên Hòa 1), đảng viên Chi bộ KP.5, phường An Bình, TP.Biên Hòa, chia sẻ: Vinh dự lớn nhất của đời ông là được gặp Bác Hồ. Lần gặp gỡ này đã làm thay đổi cả cuộc đời ông.
Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa Phan Văn Trước trao tặng huy hiệu 55 tuổi Đảng cho ông Lê Văn Ngãi. |
Đã 55 năm trôi qua, nhưng người thanh niên xung phong năm nào vẫn còn nhớ như in ánh mắt hiền từ, nụ cười trìu mến, lời nói thân tình của vị cha già kính yêu của dân tộc: Hồ Chí Minh.
Khắc trong tim lời Bác dặn
Ông Ngãi kể, mùa thu năm 1959, đơn vị của ông - Đội Thanh niên xung phong C43, Tổng đội 4 đang phục vụ sản xuất ở mỏ khai thác thiếc ở tỉnh Cao Bằng đã được Bác Hồ đến thăm. Khi nghe tin Bác đến, toàn đơn vị chuẩn bị đón tiếp rất chu đáo. Thế nhưng, tất cả đều bất ngờ bởi Bác đã không đến đơn vị bằng con đường chính mà từ lối mòn đi qua khu vực ăn ở, sinh hoạt của thanh niên xung phong. Khi Bác xuất hiện, anh em đều xúc động trước hình ảnh vị lãnh tụ giản dị, quần nâu, áo vải, dép râu, đầu vấn khăn, đội thêm chiếc nón lá, vẫy chào mọi người.
Nhớ ơn vị cha già dân tộc, ông Ngãi đã trân trọng lập bàn thờ Bác tại nhà. Lần nào xem những hình ảnh tư liệu về Bác, ông đều xúc động. Những cảm xúc ngày được gặp Bác ùa về nguyên vẹn với hình ảnh người lãnh tụ của dân tộc bình dị, gần gũi, thân tình. Ông Ngãi bộc bạch: “Với tôi, còn sức thì còn phấn đấu để đóng góp xây dựng Đảng, giúp đỡ con cháu đi theo Đảng”. |
Trong dịp đến thăm, Bác đã gọi các chiến sĩ thi đua của đơn vị, trong đó có ông Ngãi, lên gặp mặt. Bác bắt tay, thăm hỏi từng người và căn dặn rất chân tình. Ông Ngãi vẫn còn nhớ như in lời Bác dặn ngày hôm đó: “Thành tích của các chiến sĩ thi đua ngoài nỗ lực của bản thân còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ từ tập thể nên phải giữ gìn, không kiêu ngạo, tự mãn mà phải luôn yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ anh em đồng đội”.
Bác còn căn dặn, các chiến sĩ thi đua không chỉ nỗ lực trong lao động, sản xuất mà còn phải cố gắng học tập. Với những người trẻ, đã kết nạp Đảng thì càng phải học. Trước hết cố gắng học chữ, sau đó học kỹ thuật, học quản lý để phục vụ miền Bắc, đóng góp cho miền Nam và sau này làm nhiệm vụ khôi phục kinh tế ở miền Nam. Do đó, các chiến sĩ thi đua phải kiên trì, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, cố gắng hết sức vì tập thể, vì nhân dân, vì đất nước. Mọi người tập hợp xung quanh Bác lúc đó ai cũng khóc vì xúc động.
Cuộc gặp thay đổi cuộc đời
Thực hiện lời Bác dặn, ngay sau đó, lớp học bổ túc văn hóa đã được tổ chức tại đơn vị. Sau giờ làm việc vất vả, ông Ngãi vẫn đều đặn đi học bổ túc vào ban đêm. Với ông Ngãi, chính cuộc gặp gỡ, được nghe những lời căn dặn của Bác Hồ đã làm thay đổi cuộc đời bởi thời điểm đó, dù đã là Đội trưởng Đội phục vụ sản xuất của đơn vị nhưng trình độ học vấn của ông mới đến lớp 4 bổ túc.
Khi tròn 29 tuổi, ông mới tốt nghiệp lớp 10 và thi đậu vào chuyên ngành kinh tế - kế hoạch - công nghiệp Trường đại học kinh tế kế hoạch Hà Nội (tiền thân của Trường đại học kinh tế quốc dân). Việc học trong thời chiến cũng rất gian nan, vất vả vì những năm 1965-1967, miền Bắc bị quân đội Mỹ đánh phá rất ác liệt. Sinh viên trong trường thường xuyên phải sơ tán lên học tại một khu rừng ở tỉnh Bắc Ninh. Thầy giáo dựa bảng vào gốc cây để giảng, sinh viên lấy đầu gối làm bàn ghi chép, phải ăn bột mì luộc thay cơm nhưng vẫn không làm các sinh viên như ông Ngãi nản chí. “Theo Đảng, tôi mới thoát khỏi cảnh nô lệ. Nghe lời Bác dạy, tôi đã cố gắng học nên mới có điều kiện cống hiến xây dựng đất nước” - ông Ngãi nói.
Sau khi học xong, ông quay lại đơn vị làm việc phục vụ sản xuất. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ông Ngãi được điều động vào miền Nam công tác tại Công ty thép Biên Hòa. Sau đó, ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng phòng Kế hoạch, rồi Phó giám đốc phụ trách sản xuất vật tư. Năm 1997 ông nghỉ hưu và được Đảng bộ phường An Bình giao làm Bí thư Chi bộ KP.5. 15 năm liền làm bí thư chi bộ khu phố, ông đã luôn gần gũi đảng viên, nhân dân; đề xuất chính quyền địa phương giải tỏa những điểm nóng về an ninh trật tự của khu dân cư, góp phần giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa 10 năm liền.
Ngọc Thư