Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhật ký 55 ngày đêm

09:05, 06/05/2014

Ngày 13-3-1954: Đợt tiến công thứ nhất của ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu lúc rạng sáng, đạn pháo 105mm do Đại đội 806 bắn vào trung tâm Him Lam.

Ngày 13-3-1954: Đợt tiến công thứ nhất của ta vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu lúc rạng sáng, đạn pháo 105mm do Đại đội 806 bắn vào trung tâm Him Lam. 16 giờ, Trung đoàn 141 và Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312 chiếm lĩnh trận địa, xuất phát tiến công Him Lam. 23 giờ 30, ta hoàn toàn tiêu diệt xong cụm cứ điểm Him Lam.

Ngày 15-3: 3 giờ 30 phút, ta nổ súng tiến công đồi Độc Lập. Đến 6 giờ 30 phút quân ta tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn cứ điểm này.

Ngày 17-3: Tin quân ta tiến công Bản Kéo làm cho bọn địch trong đồn hoảng loạn. De Castries ra lệnh đưa lực lượng lui về Mường Thanh nhưng khi vừa ra khỏi đồn, 2 đại đội lính Thái đã xin hàng. Trung đoàn 36 chưa cần nổ súng đã chiếm gọn Bản Kéo. Đợt 1 kết thúc.

Từ ngày 18-3 đến 29-3: Các đại đoàn tiếp tục cho bộ đội đào hào bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ, chuẩn bị trận địa tiến công và làm công tác bảo đảm hậu cần cho đợt 2.

Ngày 30-3: Đợt 2 bắt đầu. 17 giờ pháo ta tập kích vào khu trung tâm và các cao điểm khu Đông. Nhiều ngày sau đó, ta và địch trong thế giằng co rất ác liệt. Địch thúc Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 lên phản kích. Bộ Chỉ huy mặt trận quyết định thay lực lượng tiếp tục tiến công A1, đồng thời chỉ thị cho các mặt trận Đông và Tây hoạt động mạnh để phân tán lực lượng địch. Đến ngày 4-4, đợt tiến công A1 tạm ngừng. Quân địch vẫn chiếm được 2/3 cứ điểm.

Ngày 5-4: Đợt tiến công thứ 2 của ta vào khu Đông chấm dứt.

Ngày 11-4: Các đại đoàn tiếp tục củng cố trận địa, đào hào giao thông siết chặt thêm vòng vây các cứ điểm còn lại ở Điện Biên Phủ.

Ngày 15-4: De Castries nhận được điện báo tin đã được phong quân hàm cấp tướng.

Ngày 21-4: Quân ta đào hào giao thông tới sát cứ điểm 206, xây dựng xong trận địa tiến công và hoàn thành công tác chuẩn bị chiến đấu. Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 tiếp tục đào những mét hào cuối cùng chia cắt hoàn toàn sân bay.

Ngày 23 và 24-4: Địch cho 2 tiểu đoàn với 5 xe tăng đánh phản kích ra cứ điểm 206 nhưng đã bị thất bại hoàn toàn. Hơn 2 đại đội lính dù bị tiêu diệt.

Ngày 26-4: Tại Điện Biên Phủ, được Mỹ giúp sức, không quân Pháp đã tập trung hàng trăm máy bay các loại tăng cường đánh phá trận địa và đường giao thông của ta…

Ngày 28-4: Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị ta khống chế, địch chỉ còn cách thả dù và bắt đầu thực hiện kế hoạch tháo chạy (kế hoạch Công-đo) nhưng bị thất bại.

Ngày 1 và 2-5: 12 giờ ngày 1-5, pháo binh ta bắt đầu nổ súng vào các trận địa pháo còn lại của địch. Sau gần một giờ trút đạn, cả khu Hồng Cúm chìm trong khói và lửa. Cụm pháo của quan năm La Lande hoàn toàn bị tê liệt.

Ở phía Đông: Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm C1 sau 20 ngày tranh chấp ác liệt.

Ở phía Tây: Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 đánh lấn tiêu diệt cứ điểm 311A.

Ở phía Nam (Hồng Cúm): Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 đánh lấn dần vào khu C tiêu hao nhiều sinh lực địch. Ngày 2-5, địch đã phải rút khỏi khu này.

Ngày 3-5: Đêm mùng 2 rạng sáng 3-5-1954, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 tiến công tiêu diệt cứ điểm 311B ở phía Tây Mường Thanh. Tướng Cogny chỉ thị cho De Castries một kế hoạch tháo chạy khác gọi là kế hoạch “Chim biển”, nhưng tất cả sĩ quan chỉ huy còn lại ở Điện Biên Phủ đều không tin tưởng. De Castries quyết định ở lại.

Ngày 6-5: 20 giờ 30 phút, toàn mặt trận lấy tiếng nổ của khối bộc phá 1 ngàn kg ở đồi A1 làm hiệu lệnh đồng loạt tiến công. Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ở các cứ điểm A1 và C2.

Ngày 7-5-1954: 2 giờ 30 phút, cờ “Quyết chiến quyết thắng” của ta đã tung bay trên đồi A1. Tên quan tư chỉ huy ở đây bị ta bắt sống.

17 giờ 30 phút, Đại đoàn 312 báo cáo lên Bộ Chỉ huy Mặt trận: “Tất cả quân địch trong khu trung tâm đã đầu hàng. De Castries và cả ban tham mưu của hắn đã bị bắt”. 24 giờ, toàn bộ quân địch ở Hồng Cúm gồm 2 ngàn tên rút chạy đã đầu hàng quân ta.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệt, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi.

Bích Trang

 

Tin xem nhiều