Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện ông Toàn đấu tranh với tiêu cực

11:05, 26/05/2014

Trước dư luận không hay về việc cơ sở đề xuất danh sách hộ nghèo không đúng thực tế, ông Nguyễn Như Toàn (nguyên Phó chủ tịch HĐND xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã) quyết định tìm hiểu vụ việc.

 

Trước dư luận không hay về việc cơ sở đề xuất danh sách hộ nghèo không đúng thực tế, ông Nguyễn Như Toàn (nguyên Phó chủ tịch HĐND xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã) quyết định tìm hiểu vụ việc.

“Hộ nghèo mà sáng nào vợ chồng, con cái cũng dắt nhau ra quán ăn sáng, nhà thì có ti vi, xe máy, rẫy vườn đủ cả, thử hỏi cử tri không bức xúc sao được” - ông Toàn kể lại.

* Thẳng ngay không sợ

Ông Toàn cho biết, vào năm 1999, với trọng trách Phó chủ tịch HĐND xã, khi nhận được phản ảnh của cử tri về việc các ấp lập danh sách đề nghị xã công nhận hộ nghèo để xây tặng nhà tình thương và thực hiện các chính sách hỗ trợ không đúng tiêu chí của cấp trên hướng dẫn, ông đã đề nghị tổ chức thanh tra. Qua thanh tra, phát hiện hơn một nửa danh sách, đề xuất hộ nghèo các ấp trình lên xã phê chuẩn không chính xác.

Ông Nguyễn Như Toàn (bìa trái) cùng các hội viên Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Tân trao đổi về công tác Hội.
Ông Nguyễn Như Toàn (bìa trái) cùng các hội viên Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Tân trao đổi về công tác Hội.

Trước đó, vào năm 1997, khi còn làm cán bộ tư pháp xã, ông Toàn đã cùng tập thể làm rõ các vấn đề sai phạm của một số cán bộ trong việc quản lý nhân hộ khẩu và đất đai. Năm 2010, ông và lãnh đạo địa phương kiên quyết đấu tranh buộc một cơ sở chế nhựa gây ô nhiễm môi trường tại ấp 5 phải dừng hoạt động.

Ông còn phối hợp với thanh tra nhân dân, những cán bộ liêm chính đấu tranh kiên quyết việc thiếu minh bạch về tài chính trong vấn đề xây dựng các công trình điện trên địa bàn xã. “Sự việc kéo dài từ năm 1996-2003 mới ngã ngũ đúng sai và buộc người sai phạm khắc phục hậu quả. Quan điểm đấu tranh với cái xấu của tôi nhằm giúp người sai phạm nhận thức được đúng sai mà điều chỉnh, làm tốt hơn nhiệm vụ được tổ chức phân công. Vì vậy, tôi cứ thẳng ngay mà làm sáng tỏ sự việc, không sợ sức ép của ô dù hay sự mua chuộc” - ông Toàn khẳng khái tỏ bày.

* Bán đất để làm tốt chuyện công

Năm 1986, khi phụ trách cấp phát xăng dầu cho đơn vị, Thiếu úy quân đội Nguyễn Như Toàn đã mạnh dạn tố cáo hành vi tiêu cực của một vài cá nhân. Chính hành động kiên quyết với cái sai của ông đã giúp cấp trên làm rõ vụ bòn rút xăng dầu của đơn vị.

Sau sự việc đó, ông xin xuất ngũ và đi tìm em trai đang lưu lạc trong Nam. Đó cũng là cái duyên khiến ông gắn bó với vùng đất Vĩnh Tân từ năm 1987 đến nay và trải qua nhiều nhiệm vụ ở địa phương, như: Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh ấp 3, cán bộ thanh tra nhân dân, cán bộ tư pháp, Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch Hội CCB xã. Thời gian công tác ở xã, ông Toàn đã cùng với tập thể làm sáng tỏ nhiều vấn đề tiêu cực xảy ra tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó chủ tịch MTTQ xã Vĩnh Tân, cho hay với trách nhiệm đảng viên và cựu chiến binh, ông Toàn luôn sát cánh cùng MTTQ, các đoàn thể, thanh tra nhân dân kiên quyết đấu tranh với những cái xấu làm ảnh hưởng đến uy tín Đảng, chính quyền, người lính. Vì vậy, tiếng nói của ông Toàn luôn có uy trước đồng đội, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã.

Cũng tại vùng đất Vĩnh Tân, ông cưới bà Vũ Thị Hằng làm vợ khi gia sản chỉ có 2 bàn tay trắng. Vợ chồng quần quật làm thuê mướn nhiều năm mới tậu được 1,3 hécta đất vườn và rẫy. “Lúc tham gia công tác Hội Cựu chiến binh ấp, tôi còn có thời gian giúp vợ làm vườn, chăn nuôi và lo cho 4 con ăn học. Đến năm 1996, khi tham gia công tác ở xã, tôi không còn thời gian phụ vợ chuyện kinh tế gia đình. Công việc làm tôi tất bật suốt ngày, nên kinh tế ngày càng đi xuống. Dù vậy, vợ tôi vẫn động viên tôi làm tốt nhiệm vụ tổ chức phân công, việc nhà cứ để vợ lo” - ông Toàn tâm sự.

Mải mê công việc, kinh tế gia đình ông Toàn bắt đầu tụt dốc. 4 con ông ngày một lớn nên chi phí chuyện học tập ngày càng nhiều hơn trước, đồng thời căn nhà gỗ của vợ chồng ông bắt đầu rệu rã theo thời gian, nên ông buộc phải xây mới. Trong khi đó, tiền lương công tác chỉ đủ cho ông chi phí cho việc đi lại, hiếu hỉ, nên gánh nặng kinh tế gia đình phải dựa vào sự đảm đang của vợ ông. “Vợ chồng tôi mua vật liệu về tự xây suốt 11 năm mới xong căn nhà. Chuyện ăn uống, học hành của các con đều dựa vào 1,3 hécta rẫy và công làm thuê của vợ, nên nợ nần ngày càng nhiều hơn. Để tránh tiếng xấu vì nợ, vợ chồng tôi quyết định bán 3 sào đất trả nợ, tạo điều kiện cho tôi yên bề công tác” - ông Toàn thổ lộ.

Nhẹ chuyện nhà và việc địa phương không còn tiêu tốn nhiều thời gian như trước, ông Toàn giờ có nhiều thời gian hơn để cùng vợ tăng gia sản xuất. Năm 2011, thấy ông về hưu, bà Hằng cứ nghĩ ông bớt “máu lửa” với chuyện công, chuyên tâm giúp bà lo cho các con học cao đẳng, đại học. Vậy mà, vào năm 2012, ông Toàn lại đạt số phiếu tuyệt đối khi được địa phương đề cử vào chức danh Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã nhiệm kỳ 2012-2015, tiếp tục công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Đoàn Phú

 

 

Tin xem nhiều