Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt núi rừng tìm con chữ (Bài 3)

10:04, 28/04/2014

Trên khắp tỉnh Điện Biên, ở mỗi bản dân tộc thiểu số lại có một điểm trường hoặc một phân hiệu trường tiểu học, THCS. Tuy nhiên, để mở mang hiểu biết, các em đã phải vượt hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số đường núi hiểm trở để tìm kiến thức cho bản thân.

Trên khắp tỉnh Điện Biên, ở mỗi bản dân tộc thiểu số lại có một điểm trường hoặc một phân hiệu trường tiểu học, THCS. Tuy nhiên, để mở mang hiểu biết, các em đã phải vượt hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số đường núi hiểm trở để tìm kiến thức cho bản thân.  

Con chữ quý hơn ruộng nương

[links(left)]Một ngày của thầy trò Trường phổ thông dân tộc nội trú Điện Biên bắt đầu từ 5 giờ 30 với việc dậy tập thể dục rồi ăn sáng và bắt đầu chương trình học chính khóa. Đưa chúng tôi đi xem các lớp học trong trường, cô Hoàng Huyền Trang (giáo viên môn Hóa học) cho biết hiện tại tính luôn 3 khối lớp THPT và khối dự bị đại học, trường có 600 học sinh, độ tuổi từ 16 trở lên. Các em đến từ 17 dân tộc của tỉnh Điện Biên. Có những em nhà ngay trong TP.Điện Biên Phủ nhưng cũng có em nhà ở khu vực ngã 3 biên giới (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé), cách trường hơn 300km.

Cô Phạm Vân Khánh dạy môn địa lý cho các em lớp 11B5 Trường phổ thông dân tộc nội trú Điện Biên. Ảnh: Đ.Tùng
Cô Phạm Vân Khánh dạy môn địa lý cho các em lớp 11B5 Trường phổ thông dân tộc nội trú Điện Biên. Ảnh: Đ.Tùng

Ra đời từ năm 1955, Trường phổ thông dân tộc nội trú Điện Biên là trường học đầu tiên ở khu vực này dạy tiếng Việt cho người dân tộc thiểu số. Qua nhiều giai đoạn, đến năm 1990 trường mới được xây dựng ở vị trí hiện tại (phường Tân Thanh, TP.Điện Biên Phủ). “Để vào học tại trường, các em phải trải qua kỳ thi đầu vào khá gắt gao. Vì thế, ý thức học tập của học sinh rất tốt. Nhiều em lúc vào trường còn rất bỡ ngỡ khi gặp các bạn đến từ các dân tộc khác, nhưng chỉ sau một vài tuần, các em đã nhanh chóng hòa nhập với nhau” - cô Trang cho biết và đưa chúng tôi vào lớp 11B5 để xem các em học tập trong giờ tự học buổi chiều.

Năm học 2012-2013 vừa qua, toàn tỉnh Điện Biên có gần 158 ngàn học sinh với 491 trường, trong đó 155 trường đạt chuẩn quốc gia, ngoài ra còn 4 trường cao đẳng nghề với nhiều ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Em Chớ A Sàng (17 tuổi, người dân tộc Mông, ở xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà), cho hay nhà em cách trường khoảng 80km. Những ngày đầu tới trường, em cảm thấy cô đơn và nhớ nhà. Những lúc ấy em chỉ biết tập trung vào học để hoàn thành ước mơ trở thành công an xã giỏi. Tranh thủ giờ nghỉ, Chớ A Sàng lại cùng bạn bè các dân tộc nói chuyện về đời sống ở bản mình, phần để đỡ nhớ nhà, phần để hiểu thêm về dân tộc anh em.

Còn em Điêu Thị Nguyệt (17 tuổi, người dân tộc Thái, ở xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà) bẽn lẽn: “Nhà em cách đây 120km. Em còn nhớ ngày đầu tiên đến trường đã khóc như mưa. Ở bản em, em chỉ quen với những người dân tộc mình, đến đây gặp người lạ, nghe tiếng nói lạ nên em hơi sợ. Nhưng nghĩ đến lời dặn dò của cha mẹ lên thành phố phải chăm chỉ học lấy kiến thức về làm cho bản làng giàu có, người giàu kiến thức còn giàu hơn cả người có nhiều ruộng nương… Từ đó em chú tâm hơn vào việc học”.

Lớp học vách đất ở bản xa

Tìm đến điểm trường Co Mận (bản Co Mận, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách TP.Điện Biên Phủ 45km đường núi quanh co) nằm trên đỉnh dốc, do không quen nên chúng tôi đã bị trượt té nhiều lần trước khi quyết định tháo giày đi chân đất.

3.	Cô Lò Hương Tiên và các em học sinh của điểm trường Co Mận, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên
Cô Lò Hương Tiên và các em học sinh của điểm trường Co Mận, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên

Điểm trường Co Mận thuộc Trường mầm non Võ Nguyên Giáp, hiện có hơn 10 em với độ tuổi từ 3-4 tuổi theo học. Cô Lò Hương Tiên (26 tuổi, giáo viên điểm trường Co Mận) tâm sự: ngày trước cô cũng theo học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Điện Biên, sau về Hà Nội học Trường cao đẳng sư phạm trung ương. Ngày còn nhỏ sống ở bản với gia đình, cô Tiên đã thấy nhiều gia đình làm ruộng nên không có điều kiện coi sóc con cái, dẫn đến một số trường hợp trẻ tử vong do tắm suối, hay té từ trên đồi xuống.

“Từ khi ấy, tôi đã nuôi giấc mộng được về làm giáo viên mầm non hoặc nhận chăm sóc trẻ con ở bản mình. Lúc được phân về bản dạy, tôi rất mừng, mỗi khi có gia đình đến gửi con, tôi lại khuyên phụ huynh nếu có điều kiện thì nên tập cho con nói chuyện bằng tiếng Việt trước khi vào lớp 1, tránh tình trạng phải mất nhiều năm để trẻ hòa nhập khi học lên cao. Tôi còn dặn dò các em tránh xa các nơi đồi dốc cao, ao hồ để tránh gặp phải những chuyện thương tâm như tôi từng chứng kiến”- cô nói.

Lớp học ở đây được xây dựng bằng cách dùng nứa đập dẹp dựng thành khung nhà rồi dùng bùn đất đắp lên, mái thì lợp tôn, bàn ghế cũng làm  bằng tre nứa. Bên trong lớp học khoảng 20m2, cô Tiên dạy cho các em nhỏ cách vệ sinh cá nhân sạch sẽ, những phép tắc chào hỏi khi gặp người lớn và các bài hát thiếu nhi bằng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc Thái.

“Các em học ở đây sau khi đủ tuổi vào lớp 1 sẽ đến học tại trường của xã, rồi học THCS ở xã, đến THPT thì phải lên trung tâm huyện để học. Những em nào học giỏi sẽ thi vào trường phổ thông dân tộc nội trú hoặc trường chuyên ở TP.Điện Biên Phủ. “Ngày xưa, người Thái chúng tôi chỉ chăm chăm vào ruộng nương, trâu ngựa thôi, nhưng dần dần sau này người dân cũng thay đổi cách suy nghĩ, đưa con em mình đến trường để học tiếng phổ thông. Người dân tộc thiểu số bây giờ cũng biết được lợi ích của việc học chữ nên nhiều người học giỏi, kiếm được việc làm tốt ở dưới xuôi hoặc ở TP.Điện Biên Phủ” - cô Lò Hương Tiên khóa cửa lớp học sau khi đứa trẻ cuối cùng được phụ huynh đón về.

Đưa chúng tôi xuống con dốc để đi trung tâm huyện Điện Biên, cô Tiên chắp hai tay trước ngực rồi cúi chào chúng tôi theo cách chào của người Thái. “Các anh đi về cẩn thận, từ miền Nam mà đến tận vùng núi xa xôi này chúng tôi quý lắm. Sau này có dịp, các anh nhớ quay lại để chứng kiến chúng tôi xây dựng bản làng giàu có nhé…” - cô Tiên nói và vẫy tay chào cho đến lúc chúng tôi đi khuất khỏi triền đồi…

Đăng Tùng (tĐiện Biên)

Bài 1: Những "báu vật" sống của núi rừng

Bài 2: Cuộc sống mới nơi miền "đất chết"

Bài 4: “Lòng chảo” vươn mình

 

 

 
 

 

 

Tin xem nhiều