Báo Đồng Nai điện tử
En

Cuộc sống mới nơi miền "đất chết" (Bài 2)

10:04, 27/04/2014

Trở lại chiến trường xưa và cùng chung tay với người dân địa phương xây dựng cuộc sống mới, những người lính từng vào sinh ra tử làm nên một chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đã không quản khó khăn, cùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây biến "lòng chảo" xưa kia trở thành một đô thị Điện Biên Phủ phát triển như ngày hôm nay.

Trở lại chiến trường xưa và cùng chung tay với người dân địa phương xây dựng cuộc sống mới, những người lính từng vào sinh ra tử làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã không quản khó khăn, cùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây biến “lòng chảo” xưa kia trở thành một đô thị Điện Biên Phủ phát triển như ngày hôm nay.

Vợ chồng ông Bùi Văn Tỉnh - Phạm Thị Vảnh cùng nhau xem lại những kỷ vật ngày xưa. Ảnh: Đ.Tùng
Vợ chồng ông Bùi Văn Tỉnh - Phạm Thị Vảnh cùng nhau xem lại những kỷ vật ngày xưa. Ảnh: Đ.Tùng

Chiều dần buông trên ngọn đồi A1 sừng sững giữa TP.Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), qua sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà vợ chồng ông Bùi Văn Tỉnh (85 tuổi) và bà Phạm Thị Vảnh (81 tuổi) ở phường Mường Thanh.

Chồng công đồn địch, vợ cáng thương binh

[links(left)]Trong cái nóng của tháng 4 vùng Tây Bắc, ông Bùi Văn Tỉnh chậm rãi bước từng bước chân khập khễnh vào phòng ngủ lấy cho chúng tôi xem những bức ảnh kỷ niệm thời trai trẻ của ông. Nheo nheo đôi mắt nhìn về phía rặng tre hướng về phía đồi A1, ông nhớ lại năm 1954, Đại đoàn 316 của ông bắt đầu tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ là vào đợt tấn công thứ hai (từ 30-3 đến 30-4-1954) và mục tiêu là cứ điểm đồi A1, C1, C2.

“Ngày đặt chân vào khu vực chiến trường, điều đầu tiên tôi nhìn thấy là những cánh dù trắng, xanh (dù trắng để thả quân, dù xanh để thả khí tài, phương tiện cơ giới) nằm rải rác khắp khu vực “lòng chảo” Điện Biên, xung quanh rất quang đãng vì bao nhiêu cây cỏ đã bị bom đạn quét sạch. Khi ấy tôi là tiểu đội trưởng. Lúc bắt đầu tấn công, tiểu đội có 12 người, cứ sau mỗi đợt xung phong lên đồi A1 rồi bị đánh bật về là chúng tôi lại phải bổ sung hoặc phải tái thành lập đơn vị mới. Anh em trong đơn vị hy sinh nhiều lắm, mà thời ấy chúng tôi chỉ biết chiến đấu  chống quân thù chứ có nghĩ gì đến bản thân. Thấy đồng đội ngã xuống bên cạnh mình, chúng tôi chỉ biết cắn chặt môi mà tiếp tục xông lên phía trước” - ông Tỉnh ngậm ngùi kể.

Còn bà Phạm Thị Vảnh, suốt hàng tháng trời trong thời gian Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, bà làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men từ Hà Nội lên Điện Biên và cáng thương binh từ mặt trận về. Do máy bay của Pháp liên tục tấn công các con đường vận chuyển nên ban ngày đoàn dân công tìm chỗ ẩn nấp, ban đêm lại lò dò từng bước trong bóng tối núi rừng.

“Thời đó ai mà dám đốt đuốc ban đêm, anh nào thèm thuốc lào lắm cũng không dám hút, vì chỉ cần một ánh lửa lóe lên vài giây thôi cũng đủ để địch bắn tan tác đoàn vận chuyển rồi. Năm đó chúng tôi chỉ biết động viên nhau rằng người ngoài mặt trận trông chờ từng đợt tiếp tế của mình, nên dẫu khó nhọc mấy thì cũng cố gắng đi tiếp. Ở Hải Phòng quê tôi đã có rất nhiều người sẵn sàng đem tiền bạc, đồ quý trong nhà ủng hộ cho cách mạng. Có người còn dỡ cả căn nhà của mình để đóng xe thồ chuyển tiếp tế lên mặt trận nữa đấy” - vừa kể, bà Vảnh vừa cho một miếng trầu đã têm vào miệng.

Xây dựng cuộc sống mới

Sau khi chiến tranh kết thúc, vợ chồng ông Tỉnh đều trở lại Điện Biên vào năm 1958 và bắt tay vào cùng đồng bào tại đây xây dựng lại cuộc sống mới.

Là một trong những người đầu tiên đặt chân về chiến trường xưa, ông Tỉnh kể lại cho chúng tôi ấn tượng của ông vào ngày đó: “Đồi A1, C1, D1, Him Lam khi chúng tôi trở lại vẫn còn rất hoang sơ. Tôi còn nhớ như in khi bước chân vào cánh đồng Mường Thanh, tôi thấy một chiếc cọc sắt công sự của Pháp còn sót lại. Trên đó, lỗ chỗ những vết đạn pháo to bằng nắm tay, thậm chí lúc cưa gỗ xây nhà, lâu lâu nghe một tiếng động lớn là y như rằng đã cưa phải vỏ đạn còn sót lại và gãy lưỡi cưa. Ngày ấy, cả khu vực “lòng chảo”Điện Biên đâu đâu cũng còn sót lại những quả mìn chưa tìm ra, những quả đạn pháo chưa nổ, cứ thỉnh thoảng lại có người chết, thương tật vì bom mìn. Vì vậy, chúng tôi còn gọi nơi này là miền “đất chết” đấy”.

Ông Bùi Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Điện Biên Phủ, cho biết những cựu chiến binh Điện Biên năm xưa bây giờ đã có tuổi và sức khỏe ngày một yếu. Hội thường xuyên tổ chức họp mặt, thăm hỏi các cụ. Từ đầu năm 2014 đến nay, Hội đã góp tiền xây dựng 5 căn nhà đại đoàn kết cho 5 cụ cựu chiến binh Điện Biên Phủ hiện sống ở thành phố này.

Khi trở lại Điện Biên, vợ chồng ông Tỉnh làm việc tại bệnh viện địa phương. Nhìn thấy những gia đình đem người nhà bị thương do bom mìn sót lại vào cấp cứu khiến ông Tỉnh nhận thấy mình phải làm một điều gì đó để giảm thiểu tình trạng này. Trong một lần tình cờ, có người nhặt được một quả mìn đem đến cho ông xem, vì là bộ đội nên ông biết rất rõ về loại mìn này. Ông đã tập trung bà con quanh nhà để chỉ cho họ thấy hình dáng của quả mìn và cách phòng tránh thương tật, đồng thời phải báo ngay cho chính quyền địa phương. Nhất là đối với trẻ em, không được ra bờ sông, bờ suối nhặt những gì còn sót lại sau chiến tranh. Ông cũng vận động đồng bào dân tộc thiểu số giao nộp cho chính quyền những vũ khí họ nhặt được.

Ông Tỉnh cho biết ngày xưa, cả cánh đồng Mường Thanh đâu đâu cũng chỉ là ruộng của người Thái, người Mông… Sau khi đất nước bắt đầu mở cửa,  đón khách du lịch lên tham quan Điện Biên, cả khu vực này đã thay đổi nhanh chóng.

Chỉ tay ra ao cá trước nhà, ông Tỉnh nói với tôi: “Ngày xưa máy bay Mỹ ném bom cả khu vực này, hố bom ngày xưa được chúng tôi cải tạo lại thành ao nuôi cá. Đau thương, mất mát năm xưa chỉ thể hiện một điều là sức sống của người dân nơi đây rất mạnh mẽ, không gì khuất phục được”. Ông Tỉnh tự hào đưa nhóm phóng viên chúng tôi đi xem những hố bom ngày xưa đều được người dân xung quanh mở rộng thành ao nuôi cá, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nắng tắt hẳn nơi rặng tre trước nhà ông Tỉnh, chậm rãi bước những bước yếu ớt ra tiễn chúng tôi, ông Tỉnh còn dặn: “Chẳng còn biết sống được bao lâu, thôi thì khi nào có dịp, các cậu phóng viên lại chịu khó từ trong Nam ra đây nói chuyện với chúng tôi nhé. Cố gắng mà ghi thật kỹ, kẻo sau này thế hệ chúng tôi đi rồi lại chẳng còn ai kể chuyện Điện Biên cho lớp trẻ nữa đâu”. ông Tỉnh cười tươi làm lộ rõ những vết thời gian trên khuôn mặt mình và vẫy tay tạm biệt chúng tôi...

Đăng Tùng (tĐiện Biên)

 

Bài 1: Những "báu vật" sống của núi rừng

Bài 3: Vượt núi rừng tìm con chữ

 

 
 

 

Tin xem nhiều