Trung tâm Văn miếu Trấn Biên vừa tổ chức triển lãm ảnh "Huỳnh Văn Nghệ - Nhà thơ, chiến sĩ tài ba" và sinh hoạt về cuộc đời, sự nghiệp của Thi tướng.
Trung tâm Văn miếu Trấn Biên vừa tổ chức triển lãm ảnh “Huỳnh Văn Nghệ - Nhà thơ, chiến sĩ tài ba” và sinh hoạt về cuộc đời, sự nghiệp của Thi tướng.
Theo đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đây là một sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm ngày sinh “Thi tướng rừng xanh” Huỳnh Văn Nghệ (1914-2014) của tỉnh Đồng Nai.
Nén hương dâng lên Thi tướng
Danh tiếng về cuộc đời và sự nghiệp của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã được lan truyền, giới thiệu rộng rãi qua sách báo và phim ảnh. Tuy nhiên, như chia sẻ của ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên thì: “Với mong muốn tiếp tục đề cao những đóng góp của Thi tướng đối với đất và người Đồng Nai, qua đó, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, tạo dư luận và hiểu biết sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về hình ảnh của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã quyết định tổ chức triển lãm ảnh và nói chuyển về cuộc đời và sự nghiệp của Thi tướng nhân kỷ niệm 100 ngày sinh của người”.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới tặng hoa cho bà Huỳnh Thị Thành (con gái út của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ). |
Đến với triển lãm, du khách được chiêm ngưỡng 76 bức ảnh thể hiện những hoạt động của Thi tướng trong thời chiến cũng như lúc đất nước thống nhất, hòa bình, gắn với 4 chủ đề, là: Thi tướng rừng xanh; Thi tướng và gia đình; những kỷ vật của Thi tướng và Nhà tưởng niệm Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ tại Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
“Những thông tin, hình ảnh về Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại triển lãm đã giúp chúng em hiểu hơn về cuộc sống của Thi tướng” Đỗ Phạm Hữu Phương (lớp 10, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh), cho hay.
“Thi tướng rừng xanh”
Trong tâm trí những người dân Nam bộ, Huỳnh Văn Nghệ không chỉ là vị tướng tài ba mà ông còn là nhà thơ với những vần thơ in đậm trong lòng người. Trong đó, nổi tiếng nhất là bài Nhớ Bắc: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Vì thế, Huỳnh Văn Nghệ còn được nhân dân yêu mến, đặt cho biệt danh “Thi tướng”.
Báo cáo viên Bùi Quang Huy đang trình bày về cuộc đời, sự nghiệp Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. |
Ở Huỳnh Văn Nghệ, nhiệm vụ chiến sĩ và sứ mệnh thi sĩ đã hòa quyện với nhau, như chính lời ông viết:
Tôi là người lăn lóc giữa đường trần,
Không phân biệt lúc mài gươm múa bút.
Đời chiến sĩ máu hoà lệ, mực
Còn yêu thương là chiến đấu không thôi
Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi
Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.
Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,
Lòng ta say chiến trận đến thành thơ…
Thơ của ông giản dị mà gần gũi, đầy cảm hứng mà sâu sắc, hồn nhiên mà xúc động. Không chỉ ăn sâu vào tìm thức người Việt Nam, mà ngay cả những người bạn nước ngoài cũng thuộc lòng thơ ông. “Một vài người nước ngoài hay Việt kiều khi có dịp đến về Việt Nam thường tìm đến gia đình để dâng hương và tỏ lòng thành kính đối với cha chúng tôi. Trong số đó, có nhiều người còn đọc thuộc lòng những bài của cha tôi sáng tác trong những dịp viếng thăm gia đình. Điều này làm cho chúng tôi, những người con của Thi tướng rất đỗi tự hào” - ông Huỳnh Văn Nam, con trai trưởng của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, cho biết thêm.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Văn miếu Trấn Biên |
Ý thức được tài sản văn chương quý giá của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, đồng thời góp phần lưu giữ và phổ biến những sáng tác của ông đến với công chúng, năm 1998, gần 50 bài thơ của ông đã được chọn in trong tập Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ (NXB Đồng Nai). Cuộc đời ông cũng được Hãng phim TFS tái hiện và đưa lên màn ảnh truyền hình vào năm 2010, với 37 tập phim "Vó ngựa trời Nam", của đạo diễn NSƯT Lê Cung Bắc, diễn viên Huỳnh Đông thủ vai Huỳnh Văn Nghệ. Những tập sách: Quê hương rừng thẳm sông dài, Những ngày sóng gió… cũng được cho ra mắt trong thời gian vừa qua.
Năm 2007, Huỳnh Văn Nghệ được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các tác phẩm "Chiến khu xanh", "Bên bờ sông xanh", "Rừng thẳm sông dài". Ngày 17-4-2010, ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Đặc biệt, để tưởng nhớ công lao của vị Thi tướng, tại TP. Biên Hòa và các địa phương khác trong tỉnh đã có những con đường mang tên Huỳnh Văn Nghệ… Tất cả đã minh chứng cuộc đời và những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp của Thi tướng luôn sống mãi trong tim mỗi người dân miền Nam nói chung và Biên Hòa, Đồng Nai nói riêng.
Văn Truyên