Dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế được Bộ Nội vụ lấy ý kiến hiện có nhiều ý kiến tranh luận về tính khả thi. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Kim Hiệp xung quanh vấn đề này.
Dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế được Bộ Nội vụ lấy ý kiến hiện có nhiều ý kiến tranh luận về tính khả thi. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Kim Hiệp xung quanh vấn đề này. Ông Hiệp cho biết:
- Dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế mà Bộ Nội vụ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, nhằm thay thế cho Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8-8-2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Một số quy định của Nghị định 132 trước đây đưa ra nhưng chưa thực hiện được, sẽ được cụ thể hóa hơn ở dự thảo nghị định mới. Cụ thể như, việc quy định cán bộ, công chức, viên chức phải 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ mới được giải quyết tinh giản là rất khó để triển khai, có những trường hợp sức khỏe rất yếu, không thể đảm nhiệm công tác nhưng phải chờ đủ 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ mới được xem xét giải quyết là chưa hợp lý. Dự thảo nghị định mới đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn, như: 2 năm liên tiếp được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.
Ngoài ra, trước đây những trường hợp sức khỏe yếu, thường xuyên nghỉ việc không nằm trong đối tượng bị tinh giản. Theo dự thảo nghị định mới có quy định rõ: những người có 2 năm liên tiếp gần đây, mỗi năm có tổng số từ 30 ngày nghỉ làm việc trở lên do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành thì thuộc đối tượng tinh giản.
Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8-8-2007 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh đã giải quyết cho 1.186 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế, trong đó có 820 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi và 336 trường hợp nghỉ thôi việc ngay. Tuy nhiên có rất ít trường hợp bị tinh giản biên chế do 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ. |
* Hiện nay dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế trong giai đoạn lấy ý kiến. Theo ông, dự thảo nghị định này còn có những quy định nào chưa hợp lý, khó thực thi?
- Qua nghiên cứu dự thảo, Sở Nội vụ cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo. Dự thảo mới trên cơ sở kế thừa và khắc phục những hạn chế của quy định cũ để hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, có một số nội dung nên nghiên cứu thêm để phù hợp với thực tiễn. Cụ thể như, tại điều 12 dự thảo nghị định quy định trình tự thực hiện tinh giản biên chế còn khá phức tạp, mất nhiều thời gian và chưa thống nhất với các quy định hiện hành về công tác quản lý cán bộ, công chức. Ví dụ: hiện nay các đơn vị sự nghiệp được tự chủ tuyển dụng và quản lý viên chức theo quy định, nhưng khi giải quyết thôi việc theo chính sách tinh giản thì phải trình tới Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, như vậy sẽ bị động cho công việc của đơn vị. Mặt khác, theo quy định của dự thảo, những đối tượng viên chức tuyển dụng sau ngày 29-10-2003 thì phải lấy từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị để chi trả. Như vậy, kinh phí do đơn vị trả nhưng đối tượng phê duyệt phải trình tới nhiều cấp: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Bộ xét duyệt là chưa phù hợp.
Thực hiện chính sách tinh giản biên chế sẽ góp phần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Trong ảnh: Cán bộ, công chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND huyện Cẩm Mỹ tiếp dân. |
Do vậy, về thẩm quyền, quy trình phê duyệt, quyết định nên áp dụng như Nghị định số 132. Theo đó, địa phương nào tự chủ kinh phí thì chủ động rà soát, phê duyệt thực hiện. Đồng thời đề nghị quy định đối với các đối tượng viên chức tuyển dụng sau ngày 29-10-2003 thì cấp nào có thẩm quyền tuyển dụng thì giao cho cấp đó quyết định phê duyệt, giải quyết tinh giản. Việc quy định như trên nhằm đảm bảo phân cấp, tăng cường trách nhiệm và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra.
* Ông có thể giải thích rõ hơn, vì sao Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ xem xét bỏ quy định phải xây dựng đề án tinh giản biên chế?
- Vào năm 2008, khi triển khai Nghị định số 132, các đơn vị đã tiến hành rà soát bộ máy, đội ngũ để xây dựng đề án rồi. Đồng thời, hiện nay các cơ quan, đơn vị cũng đã và đang thực hiện rà soát xây dựng đề án vị trí việc làm theo quy định của Chính phủ mà nội dung cũng cơ bản giống như đề án tinh giản biên chế. Do đó, để tránh trùng lắp, lãng phí, Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị xem xét không nên quy định các cơ quan, đơn vị phải làm đề án mà chỉ cần rà soát danh sách đối tượng thuộc diện tinh giản theo quy định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện.
* Xin cảm ơn ông!
Ngọc Thư (thực hiện)