Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP - Bộ Công an) khởi nghiệp vào ngành công an ngay từ năm đầu tiên sau ngày miền Nam giải phóng. Nhiều năm sau đó, ông đã trở thành một sĩ quan cảnh sát hình sự nổi tiếng với nhiều chiến công trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm...
Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP - Bộ Công an), khởi nghiệp vào ngành công an là trinh sát hình sự Công an Đồng Nai ngay năm đầu tiên sau ngày giải phóng miền Nam, nhiều năm sau đó đã trở thành một sĩ quan cảnh sát hình sự nổi tiếng với nhiều chiến công trong công tác đấu tranh PCTP “Hơn 38 năm công tác liên tục trong ngành công an, tôi đã trải qua nhiều vị trí, từ trinh sát hình sự lên đến phó phòng rồi trưởng phòng cảnh sát hình sự, phó chỉ huy trưởng lực lượng cảnh sát và có đến 17 năm giữ chức vụ Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Cuộc đời binh nghiệp của tôi có đến 2/3 thời gian gắn bó với công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự” - Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng tâm sự.
* Mỗi ngày đọc báo thấy xuất hiện những thông tin về tội phạm hình sự ngày càng nhiều hơn và tội ác ngày càng nguy hiểm, đáng sợ hơn, Thiếu tướng nghĩ gì về điều này?
- Tôi được Đảng và Nhà nước phân công làm công tác lĩnh vực đấu tranh PCTP, do vậy không chỉ có những thông tin về tội phạm hình sự xuất hiện trên báo chí mà tình hình hoạt động tội phạm trên địa bàn ở các địa phương tôi và các đồng nghiệp đều phải theo dõi sát sao kịp thời, nắm bắt thông tin để có biện pháp đấu tranh. Tôi thực sự rất trăn trở trước các vụ việc tội phạm hình sự xảy ra hàng ngày, trong đó có các vụ đặc biệt nghiêm trọng tước đi tài sản, sức khỏe và tính mạng của người dân. Tôi cảm thấy vẫn chưa làm tròn trách nhiệm cho dù tôi luôn cố gắng hết sức mình.
* Theo Thiếu tướng, có thể ngăn ngừa tội phạm một cách có hiệu quả hơn?
- Ngăn ngừa tội phạm không chỉ có trách nhiệm của ngành công an mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Nhiệm vụ của Tổng cục Cảnh sát PCTP luôn xác định vai trò nòng cốt trong phòng ngừa và tấn công tội phạm. Để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, vấn đề có ý nghĩa quan trọng là phải phát huy cao trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tất cả phải vào cuộc một cách trách nhiệm và quyết liệt mới đem lại hiệu quả.
* Nói gì thì nói, những vụ án hình sự vẫn xảy ra gây nên tổn thất (tài sản hoặc tính mạng) cho người dân?
- Đó là một thực tế. Mỗi ngày theo dõi tình hình tội phạm xâm hại người dân càng thấy trách nhiệm lớn lao. Do đó, khi đã để tội phạm xảy ra thì phải chỉ đạo tập trung điều tra, phá án càng nhanh càng tốt, nhất là các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến băng nhóm tội phạm có tổ chức, nhanh chóng lập lại trật tự xã hội, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân, khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra và sớm đưa bọn chúng ra xét xử nghiêm trước pháp luật. Kiên quyết trấn áp không để tội phạm đe dọa đến đời sống người dân. Năm 2013, tình hình tội phạm hình sự có được kiềm chế nhưng còn diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân, như: giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, hiếp dâm trẻ em… cần đặt biệt quan tâm.
* Vì sao phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động ở các địa phương ngày càng sâu rộng, nhưng tình hình nhiều loại tội phạm vẫn gia tăng, thưa Thiếu tướng?
- Tôi cho rằng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát huy hiệu quả, tuy nhiên chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này. Như tôi đã nói ở trên, địa phương nào, địa bàn nào có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người đứng đầu và lực lượng công an đánh giá đúng thực chất tình hình tội phạm trên địa bàn thì phong trào phát huy hiệu quả. Khi người dân tin tưởng thì sẽ tố giác tội phạm và tích cực tham gia đấu tranh PCTP. Ngược lại, nếu địa phương nào không đánh giá đúng tình hình tội phạm trên địa bàn, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, giấu giếm để chạy theo thành tích và hệ thống chính trị cũng không tích cực xắn tay vào PCTP thì phong trào khó thu hút được sự đồng thuận của người dân, khi đó tội phạm sẽ có cơ hội hoạt động.
* Nhiều vụ án hình sự gần đây gây bức xúc trong dư luận như chuyện cha - con giết nhau, hoặc người ta có thể chém, giết nhau vì những chuyện va chạm, xích mích vụn vặt. Theo Thiếu tướng, tội phạm hình sự thời gian gần đây tăng còn có nguyên nhân nào khác?
- Tôi rất muốn nhấn mạnh đến một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tội phạm hình sự có chiều hướng gia tăng, đó chính là công tác giáo dục đạo đức xã hội chưa được quan tâm và công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự còn nhiều sơ hở. Nhiều vụ án đâm chém, giết người xảy ra trong gia đình giữa cha và con, anh em ruột, bạn bè, hàng xóm láng giềng với nhau chỉ vì nguyên nhân rất nhỏ nhặt, nhưng họ đã không thể kiềm chế được sự nóng giận để gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, môi trường hoạt động lành mạnh, sân chơi bổ ích cho lứa tuổi thanh thiếu niên còn ít, trong khi vũ trường, quán bar, quán nhậu mọc lên như nấm và có thể hoạt động thâu đêm không được kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề này tác động không nhỏ đến tâm lý và hành vi của thanh thiếu niên hiện nay.
* Thời gian qua, vụ án do người dân “tự xử” cũng không ít, dẫn đến “nạn nhân” trở thành “bị cáo”, nhất là trong các vụ việc có liên quan đến giao dịch dân sự (vay mượn tài sản, tiền bạc, hùn hạp làm ăn…), phải chăng vì pháp luật chưa nghiêm, không tạo được niềm tin trong dân?
“Phấn đấu từ một trinh sát hình sự đến nay đeo quân hàm thiếu tướng, bản thân tôi luôn nỗ lực không ngừng, bên cạnh đó tôi luôn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bậc cha chú, đàn anh dày dạn bản lĩnh, kinh nghiệm và của các đồng nghiệp. Với tôi, được dân tin yêu là hạnh phúc lớn và luôn lấy hạnh phúc của người dân làm hạnh phúc của chính mình. Tôi vẫn thấy trách nhiệm của mình là rất lớn trong công tác ngăn ngừa, phòng chống tội phạm hình sự đang có dấu hiệu gia tăng như hiện nay”. |
- Vấn đề này liên quan đến tội phạm lạm dụng tín nhiệm và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều vụ án thiếu thống nhất về quan điểm xử lý của các cơ quan tố tụng, dân thiếu lòng tin dẫn đến tự xử với nhau, có vụ thuê tội phạm có tổ chức đòi nợ thuê.
Tôi cũng muốn nói đến một khía cạnh khác là thái độ tiếp dân của cán bộ chính quyền ở cơ sở và công an khu vực, phường, xã và trách nhiệm giải quyết đơn thư của các đơn vị chức năng. Khi người dân có việc bức bách cần đến, cần được giúp đỡ là họ rất kỳ vọng đến sự chia sẻ của những cán bộ thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật. Do vậy, nếu như họ gặp thái độ dửng dưng, thờ ơ, vô cảm của cán bộ tiếp dân, của công an khu vực, phường, xã thì sẽ đưa họ đến bế tắc. Cần nhận thức rằng, thiệt hại của dân phải xem như là thiệt hại của mình, lợi ích của người dân phải được bảo vệ, phải được giải quyết đến nơi đến chốn với trách nhiệm cao và hiệu quả. Việc tự xử lý không theo quy định pháp luật của người dân nhất định sẽ không tồn tại.
* Thiếu tướng có điều gì muốn chia sẻ với người dân?
- Tôi muốn nhấn mạnh đến tinh thần thượng tôn pháp luật. Tình hình tội phạm xảy ra không chỉ có trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, cơ quan bảo vệ pháp luật mà còn có trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân, để mọi người ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tự nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ tính mạng và tài sản của chính mình. Đồng thời biết yêu thương giúp đỡ người hoạn nạn, tham gia tích cực công tác PCTP thì tội phạm có mưu mô, xảo quyệt, hung hãn đến đâu cũng khó có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội.
* Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Xuân Phú (thực hiện)