Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệp định Paris về Việt Nam: Mở ra thắng lợi…

11:01, 26/01/2014

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã trải qua 21 năm với biết bao đau thương, gian khổ gắn liền với những sự kiện trọng đại.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã trải qua 21 năm với biết bao đau thương, gian khổ gắn liền với những sự kiện trọng đại. Một trong những sự kiện trọng đại nhất mở ra bước ngoặt cho thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ này là việc ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (năm 1973).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (năm 1973).

Cuộc đàm phán giữa Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ bắt đầu tại Paris từ ngày 13-5-1968, sau gần 6 tháng đã đi đến thỏa thuận là Mỹ chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và tổ chức một hội nghị tại Paris để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm các bên: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

* Cuộc đàm phán trường kỳ

Ngày 25-1-1969, phiên họp chính thức đầu tiên được tiến hành, đánh dấu một bước chuyển quan trọng của cách mạng Việt Nam: Vừa đánh, vừa đàm. Hội nghị Paris là cuộc đàm phán thế kỷ, bởi đây là hội nghị dài ngày nhất, với nhiều phiên họp nhất. Kể từ cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ diễn ra vào tháng 5-1968, cho đến khi ký kết hiệp định, thời gian hội nghị đã kéo dài trong 4 năm 9 tháng, với 202 phiên họp công khai, nhiều cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1 ngàn cuộc phỏng vấn, hàng ngàn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Đây là cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam nhưng nó lại có những mối quan hệ lợi ích chằng chịt giữa các bên liên quan, là nơi thể hiện những xung đột mang tính thời đại lúc bấy giờ của một bên là các lực lượng đang chiến đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và bên kia là các thế lực phản động. 

* Mở ra chiến thắng

Ngày 13-1-1973, bản dự thảo Hiệp định cơ bản được thông qua. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23-1-1973 giữa đại diện hai Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ, được ký chính thức ngày 27-1-1973 giữa 4 bộ trưởng đại diện các chính phủ tham dự hội nghị. Nội dung cơ bản của Hiệp định Paris và các nghị định thư kèm theo là: Mỹ và các nước khác phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Chấm dứt mọi hoạt động quân sự của Mỹ chống lãnh thổ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Rút hết quân Mỹ và đồng minh, hủy bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ ở miền Nam. Không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình. Hai bên trao trả tù binh và những người bị bắt trong chiến tranh. Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội và hai vùng kiểm soát. Mỹ đóng góp vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam.

Thắng lợi của Hội nghị Paris thể hiện tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược. Thắng lợi này một lần nữa thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Bác Hồ vĩ đại, đặc biệt là đường lối ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ. Việc ký kết hiệp định Paris, nhân dân ta đã hoàn thành lời căn dặn của Bác Hồ: Đánh cho Mỹ cút và tạo bước ngoặt to lớn để nhân dân ta đánh cho ngụy nhào vào mùa xuân năm 1975.

Nhớ lại sự kiện lịch sử trọng đại này, trong hồi ký của mình, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - một trong 4 bộ trưởng đặt bút ký vào 32 văn bản của Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam - đã viết: “Đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris, tôi vô cùng xúc động, nghĩ đến đồng bào, đồng chí, đến bạn bè ở cả hai miền Nam Bắc… Khi nhớ đến những người không còn nữa để biết được sự kiện này, tôi trào nước mắt… Tôi không có đủ lời để nói lên được lòng biết ơn vô tận đối với đồng bào và chiến sĩ ta từ Nam chí Bắc đã chấp nhận mọi hy sinh dũng cảm chiến đấu để có được thắng lợi to lớn hôm nay, biết ơn Bác Hồ…”.

Vũ Trung Kiên

 

 

 

Tin xem nhiều