Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiến pháp sửa đổi năm 2013: Đề cao quyền con người, quyền công dân

10:01, 02/01/2014

Ngày 1-1-2014, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực.

Ngày 1-1-2014, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 chính thức có hiệu lực. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về mục đích, ý nghĩa và những điểm mới của bản Hiến pháp sửa đổi, đồng chí Trần Văn Tư, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết:

- Đây là sự kiện chính trị - pháp lý cực kỳ quan trọng, mang tính lịch sử, mở ra một giai đoạn cách mạng mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần chủ động hội nhập quốc tế theo đường lối đổi mới của Đảng. Với tinh thần đó, bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 sẽ tạo ra sinh khí mới, thu hút mạnh mẽ mọi trí tuệ, nguồn lực, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Thưa đồng chí, là đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 2013 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua, đồng chí có thể cho biết tại sao Việt Nam lại sửa đổi Hiến pháp?

- Với bất cứ quốc gia nào, Hiến pháp cũng luôn là đạo luật cơ bản (đạo luật gốc). Lịch sử lập hiến ở nước ta đã trải qua 4 bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992), mỗi bản Hiến pháp có vai trò lịch sử nhất định phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, giai đoạn xây dựng và phát triển của đất nước. Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này nhằm xây dựng một bản Hiến pháp mới hoàn thiện hơn, phù hợp với giai đoạn phát triển của nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Đồng chí có thể cho biết một sđiểm mới nổi bật trong Hiến pháp năm 2013?

- Hiến pháp có nhiều điểm mới, trong đó, trước hết đã thể chế hóa đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao chủ quyền nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Đây là quan điểm nền tảng xuyên suốt nội dung của Hiến pháp sửa đổi năm 2013, chỉ rõ nguồn gốc, bản chất, mục đích, sức mạnh của quyền lực Nhà nước ta là ở nhân dân, thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Theo đó, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã khẳng định mạnh mẽ “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Ngay từ Lời nói đầu đã long trọng tuyên bố nhân dân Việt Nam là chủ thể “xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”. Nhân dân sử dụng quyền lực Nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và HĐND như trước đây, mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, bằng quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Bên cạnh đó, Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Vai trò đó do lịch sử lựa chọn, giao phó, được nhân dân thừa nhận và được Hiến pháp công nhận. Đồng thời Hiến pháp làm rõ hơn và sâu sắc hơn bản chất tiên phong, bản chất nhân dân của Đảng và bổ sung một yêu cầu rất quan trọng của nhân dân, đó là “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

 Trong số các nội dung mới của bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013 có nội dung quy định rõ hơn về quyền sử dụng đất, thu hồi đất, được đông đảo người dân quan tâm. Đồng chí có thể giải thích rõ hơn về nội dung này?

- Hiến pháp lần này đề cập trực tiếp đến việc thu hồi đất. Theo đó, việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết, phải do luật định vì mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, phải công khai, minh bạch và phải được bồi thường để tránh việc thu hồi đất tùy tiện, tràn lan. Quy định này đã được cụ thể hóa trong Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 vừa được Quốc hội thông quan tại kỳ họp thứ 6 vừa qua.

 Có nhiều ý kiến cho rằng, một trong những thành công lớn nhất của Hiến pháp năm 2013 là ở Chương II về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Đồng chí có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

- Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao và khẳng định trong Hiến pháp (Chương II). Đó vừa là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng ban soạn thảo; vừa thể hiện nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Theo đó, Hiến pháp đã khẳng định nguyên tắc Nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Đây là những nguyên tắc căn bản nhằm đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong mối quan hệ với quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa sự tùy tiện cắt xén, hạn chế, cho chỗ này, lấy lại ở chỗ khác từ phía các cơ quan Nhà nước, nhân viên Nhà nước. Đồng thời cũng là cơ sở pháp lý cao nhất để mọi người và công dân bảo vệ và thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình. Trên cơ sở của các nguyên tắc căn bản này, Hiến pháp đã quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có bổ sung một số quyền mới một cách chặt chẽ, chính xác, khả thi, phù hợp với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Nhà nước ta là thành viên. 

 Xin cảm ơn đồng chí!     

Ngọc Thư (thc hin)

Sớm đưa Hiến pháp vào cuộc sống

Theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai Trần Văn Tư, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, trong đó xác định rõ trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn dân tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp. Sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Trung ương, cơ quan thông tin truyền thông quốc gia sẽ phối hợp tổ chức thực hiện đề án về tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Hiến pháp, đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để sửa đổi, hủy bỏ những nội dung không còn phù hợp với nội dung Hiến pháp mới. Ở địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Hiến pháp, nhằm góp phần đưa Hiến pháp mới vào cuộc sống ngay sau khi có hiệu lực. 

 

Tin xem nhiều