Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa

09:01, 13/01/2014

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế. Một trong những thành tựu được đánh giá cao của Đồng Nai là đã phát huy và bảo tồn được các  giá trị di sản văn hóa.

Một tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ nhất năm 2013.
Một tiết mục văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ nhất năm 2013.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, hiện toàn tỉnh có 49 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia, 21 di tích cấp tỉnh và hàng ngàn di tích đang trong lộ trình đề nghị xếp hạng, di tích kiểm kê phổ thông.

* Thu hút du khách

Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh, cho hay nếu trước đây, những di tích được xếp hạng chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một vùng miền nhất định hay phục vụ công tác tìm hiểu, nghiên cứu của giới khoa học, thì nay các di tích đã được khai thác tốt hơn để phục vụ cho việc quảng bá, thu hút du khách đến với vùng đất Đồng Nai. Theo số liệu thống kê của Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), trong năm 2013 đã có 2,8 triệu lượt khách tham quan và lưu trú tìm đến với Đồng Nai.

Tham dự hội thảo khoa học quốc tế “Vai trò của di sản văn hóa trong giáo dục và phát triển hòa bình”  được tổ chức tại Đồng Nai vào cuối tháng 11-2013, TS. Nizamuddin Katawazi, Giám đốc điều hành tổ chức hòa bình và quyền con người (PHRO) Kabul, Afghanistan, chia sẻ: “Cách bảo tồn di tích, di sản văn hóa của các bạn rất tốt. Tuy nhiên, để quảng bá những giá trị của nó, việc cần thiết là đẩy mạnh công tác truyền thông để không chỉ người dân trong nước mà  cả bạn bè thế giới cũng đều biết đến một nơi có vẻ đẹp thiên nhiên hấp dẫn như thế này. Có như vậy, di tích và giá trị văn hóa lịch sử mà nó chứa đựng mới thật sự phát huy được tác dụng, ích lợi đối với sự phát triển của xã hội”.

Để có thể thu hút được một lượng du khách đến tham quan, tìm hiểu lớn như trên, phải kể đến sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa những đơn vị làm công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa với khâu quảng bá. Cụ thể, một số di tích trong tỉnh đã trở thành điểm đến trong các tour du lịch (như: di tích cấp quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên, di tích quốc gia danh lam thắng cảnh núi Chứa Chan, di tích cấp quốc gia Khu danh thắng Bửu Long và chùa Bửu Phong) hoặc thông qua các lễ hội được tổ chức tại di tích (lễ Kỳ yên tại đình Tân Lân, đình Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh chống Pháp) hay tổ chức kinh doanh loại hình dịch vụ phù hợp mà không làm ảnh hưởng đến di tích hiện hữu.

PGS.TS. Bùi Chí Hoàng, Phó viện trưởng Viện Khoa học - xã hội vùng Nam bộ (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận xét: “Tôi đánh giá rất cao về các di tích, thắng cảnh ở Đồng Nai. Tuy nhiên, để thu hút và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách khi tìm đến tham quan, nghiên cứu tại di tích thì những người làm công tác quản lý cần phải quan tâm đến việc tạo ra các sản phẩm du lịch, như: quà lưu niệm, sách báo, tranh ảnh, các sản phẩm xuất phát từ vùng đất, con người gắn với di tích đó tạo ra. Nếu làm được điều này thì sẽ vừa quảng bá được vẻ đẹp, đặc điểm du lịch của Đồng Nai, đồng thời góp phần mang lại thu nhập cho các địa điểm di tích, thắng cảnh này”.

* Bảo tồn các giá trị văn hóa

Bên cạnh số lượng di tích nhiều, tiềm năng phát triển du lịch lớn thì Đồng Nai cũng là một tỉnh có sự đa dạng về văn hóa. Trong đó, 37 thành phần dân tộc sống xen kẽ, rải rác khắp các địa phương trong tỉnh. Ở những nơi đồng bào sinh sống, các phong tục tập quán trong sinh hoạt hàng ngày hay dịp lễ hội cũng đang được giữ gìn và phát huy làm cho nền văn hóa của Đồng Nai  trở nên phong phú, đa dạng. Nhiều lễ hội, như: Sayangva của người Chơro, lễ Tả Tài Phán của người Hoa, lễ đâm trâu của người Mạ… cũng thường xuyên được tổ chức theo định kỳ hàng năm.     

Ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho hay năm 2013 toàn tỉnh có 11 nhà văn hóa dân tộc. Những thiết chế văn hóa này góp phần không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu về địa điểm sinh hoạt văn hóa tập trung cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu chuyên sâu về phong tục tập quán của đồng bào nhằm phục vụ công tác lưu giữ, tìm hiểu và phổ biến lại cho bà con cũng đã ra đời, với những tác phẩm tiêu biểu, như: Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển; Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai, Biên Hòa; Đồng Nai di tích - lịch sử, văn hóa; Người Chơro ở Đồng Nai; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa người Hoa ở Đồng Nai… Những tác phẩm này đã trở thành tư liệu không thể thiếu trong các lớp tập huấn, phục dựng lễ hội được tổ chức cho đồng bào các dân tộc thời gian gần đây tại TX.Long Khánh, Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú.

Văn Truyên

 

 

 

Tin xem nhiều