Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 sẽ mãi khắc ghi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc như một bản anh hùng ca bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 sẽ mãi khắc ghi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc như một bản anh hùng ca bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh mở màn trước Tết Mậu Thân 10 ngày, hai sư đoàn quân Giải phóng nổ súng tiến công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh để buộc Mỹ phải chú ý tập trung điều lực lượng chủ lực ra phía Bắc đối phó, tạo điều kiện để giữ bí mật hướng trọng điểm và tiếp tục chuẩn bị.
Cuộc tấn công của ta vào căn cứ Khe Sanh làm cho chính giới Mỹ lo sợ như tấn công vào Washington, gây chấn động cả nước Mỹ. Trong lúc Mỹ, ngụy bị hút vào trận chiến Khe Sanh, điều quân đến đối phó với ta tại đây, bất ngờ đêm 30 rạng sáng 31-1-1968 (Tết Mậu Thân), quân và dân toàn miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở 4 thành phố lớn, trọng tâm là Sài Gòn - Gia Định, Huế, Đà Nẵng, 37 thị xã và hàng trăm quận lỵ, thị trấn, tập trung đánh vào nội thành và cơ quan đầu não, như: Dinh Độc lập, tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Hải quân, Tổng nha cảnh sát, Đài Phát thanh Sài Gòn, các căn cứ hậu cần, sân bay, bến cảng, nhiều sở chỉ huy cấp quân khu, quân đoàn, sư đoàn của Mỹ ngụy…
Đòn tiến công chiến lược của ta vào mục tiêu và thời điểm Mỹ, ngụy hoàn toàn choáng váng và “trở tay không kịp”, sĩ quan và binh lính đã không hề lường trước sự kiện quân giải phóng có thể tấn công vào tận sào huyệt của chúng.
Trong khi đó, quân và dân ta với quyết tâm sắt đá, quyết chiến, quyết thắng, không sợ hy sinh, gian khổ, vượt mọi khó khăn, thử thách, nhất là thời gian chuẩn bị gấp rút, yêu cầu bảo đảm bí mật cao độ, thực hiện tốt nhất tư tưởng chỉ đạo tác chiến “bất ngờ, thọc sâu, đánh hiểm”, thực sự giành quyền làm chủ và đập tan bộ máy địch nhiều nơi, làm tan rã 150 ngàn địch, phá hủy hơn 34% vật tư và phương tiện chiến tranh, giáng một đòn chí mạng vào đế quốc Mỹ và chư hầu.
Mặc dù không ít thành phần chóp bu Mỹ thời điểm đó và vài năm sau vẫn ngoan cố chưa chịu thừa nhận thất bại quân sự chiến lược, nhưng thực tế không thể chối cãi là sự kiện Tết Mậu Thân 1968 tạo sức ép lớn lên chính giới Mỹ. Cùng với việc thay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Tổng thống Mỹ còn cách chức William Westmoreland - Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam, đưa Abram lên thay. Trong hồi ký, Tổng thống Jonhson viết: “Tết Mậu Thân thực sự là một sự choáng váng đối với tất cả người Mỹ”.
Còn đối với quân dân Việt Nam, đó là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ” buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris, chấm dứt chiến tranh không điều kiện, chủ trương phi Mỹ hóa chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh…
Minh Đức