Tối 29-11, tại Nhà thi đấu tỉnh đã diễn ra lễ mít tinh chào mừng sự kiện Việt Nam được bầu vào làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Vy Văn Vũ đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Đồng Nai điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này...
Tối 29-11, tại Nhà thi đấu tỉnh đã diễn ra lễ mít tinh chào mừng sự kiện Việt Nam được bầu vào làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Vy Văn Vũ đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Đồng Nai điện tử xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này...
Kính thưa:
- Đ/c Trần Đình Thành – UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy;
- Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai.
- Quý vị đại biểu và toàn thể đồng bào.
Như chúng ta đã biết cách đây hơn 02 tuần, vào ngày 12/11/2013 Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu bầu 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014 – 2016). Với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu bầu, Việt Nam lần đầu trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc với số phiếu ủng hộ đứng đầu trong số các nước trúng cử lần này.
Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng Liên hợp Quốc, có tiếng nói quan trọng nhất trong hệ thống các thể chế của Liên hợp quốc về quyền con người, chịu trách nhiệm thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ quyền con người và tự do một cách công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử trên khắp toàn cầu.
Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Đây cũng là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo và tín ngưỡng…Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất cũng thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước ta trên trường quốc tế.
Hôm nay, trong không khí hân hoan của cả nước, chúng ta tụ họp về đây để bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tỉnh Đồng Nai trước sự kiện chính trị quan trọng này.
Kính thưa quý vị đại biểu.
Kính thưa đồng bào.
Vào tháng 9 năm 1945, ngay từ khi mới giành được độc lập dân tộc, chấm dứt 100 năm đô hộ của thực dân pháp, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới rằng Việt Nam thành lập nền dân chủ, khẳng định những khát vọng của nhân dân Việt Nam, đồng thời khẳng định độc lập dân tộc, tự do của nhân dân là điều kiện để đảm bảo và phát triển quyền con người, không chỉ riêng ở Việt Nam. Từ những giá trị nhân văn hết sức to lớn trong bản Tuyên ngôn Độc lập của Hiệp chủng quốc Hoa kỳ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cộng hòa Pháp, Hồ Chủ tịch - người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn suy rộng ra một chân lý lớn của thời đại. Đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 cũng đã hiến định quyền cơ bản con người trong 07 điều, từ Điều 10 đến Điều 16 (trước khi có bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của LHQ ngày 10/12/1948).
Từ đó đến nay, dù phải trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc đầy hy sinh, mất mát, nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đề cao quyền con người, lấy con người làm mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội và của cả sự nghiệp cách mạng.
Trước khi trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc (20/9/1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế như Công ước Geneva về bảo vệ thường dân trong chiến tranh; Công ước Geneva về đối xử với tù nhân trong chiến tranh,…Đến năm 1982, Việt Nam gia nhập hai Công ước quốc tế cơ bản về con người, đó là Công ước quốc tế về các quyền nhân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.
Kính thưa quý vị đại biểu.
Kính thưa đồng bào.
Đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam, tôn trọng và bảo vệ quyền con người là bản chất của xã hội XHCN. Việc nâng cao sự hưởng thụ các quyền con người của người dân là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Điều này không tùy thuộc vào áp lực chính trị, kinh tế của bất cứ lực lượng chính trị nào. Trong các Cương lĩnh xây dựng đất nước (năm 1991 và bổ sung năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam đều khẳng định: Chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN, do nhân dân và vì nhân dân. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ.
Hơn 30 năm qua, kể từ khi Việt Nam gia nhập các Công ước Quốc tế và nhân quyền, Việt Nam đã nội luật hóa các công ước đó như: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân, Luật Giáo dục, Luật Đất đai, Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống tham nhũng, vv… Nếu như trong Hiến pháp 1992, quyền con người chỉ được quy định trong một Điều (Điều 50) và được đặt ở Chương V thì trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vừa thông qua Quốc hội sáng hôm qua với 486/488 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 97,59% quy định về quyền con người được đặt ở Chương II, hình thành Chương: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, được đặt ngay sau Chương I: Về chế độ chính trị. Điều này không chỉ thể hiện rõ nhận thức của Nhà nước ta về tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà còn thể hiện khả năng tiếp thu và phát huy những thành quả sự phát triển của quyền con người của cộng đồng quốc tế.
Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân. Trong nhiều năm qua, mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Thậm chí, phát triển kinh tế có lúc gặp khó khăn, thách thức nhưng việc thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp Quốc luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Điều đó giải thích vì sao, Việt Nam - một quốc gia vừa thoát khỏi chiến tranh, nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu nhưng đã “cán đích sớm” các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp Quốc. Trong đó, có hai mục tiêu quan trọng Việt Nam đã hoàn thành từ năm 2000 là: “Xóa bỏ tình trạng nghèo nàn cùng cực” và “Phổ cập giáo dục tiểu học”.
Trong việc thực hiện Công ước về các quyền Dân sự, Chính trị, Việt Nam luôn đảm bảo thực thi một cách nghiêm túc và hiệu quả. Ngoài Luật Báo chí, khẳng định quyền ngôn luận của người dân, Nhà nước ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí. Ở Việt Nam, báo chí không chỉ thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền mà còn đóng góp lớn trong việc thực hiện tham nhũng, thoái hóa của cán bộ, công chức; những hành vi phạm pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở…góp phần xây dựng xã hội trong sạch, lành mạnh.
Trên lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng có thể khẳng định trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ các tôn giáo được đối xử công bằng, bình đẳng và phát triển tự do dưới chế độ ta. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cả nước riêng 06 tôn giáo lớn, số tín đồ lên tới hơn 20 triệu người (chiếm khoảng 26% dân số). Tại tỉnh Đồng Nai, tỷ lệ này còn cao hơn. Hiện nay, tỷ lệ tăng tín đồ tương tự như tỷ lệ tăng dân số. Hàng trăm nghìn chức sắc các tôn giáo, với hơn hai vạn cơ sở thờ tự đang hoạt động một cách bình thường. Pháp luật và chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đảm bảo cho các tôn giáo hoạt động theo đúng giáo luật, từ việc xây mới, sửa chữa cơ sở thờ tự đến việc đào tạo nhân lực, phát triển tín đồ, đồng hành cùng các phong trào yêu nước trong lòng dân tộc. Điều đó hoàn toàn trái ngược với sự xuyên tạc, vu cáo cho rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo và tự do báo chí.
Kính thưa quý vị đại biểu.
Kính thưa đồng bào.
Với tinh thần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Việt Nam sẽ tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp Quốc. Nước ta cũng sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẽ các thành công của mình trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, tôn trọng và bảo đảm các quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và dân sự. Những kết quả tích cực về xòa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc. Đồng thời, phản bác các thông tin và luận điểm sai trái về tình hình dân chủ, nhân quyền.
Nhiệm vụ vẻ vang đó chỉ có thể hoàn thành tốt đẹp khi có sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm chính trị cao của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, ở mọi lực lượng, tầng lớp xã hội trên cả đất nước Việt Nam.
Vì thế, trong buổi lễ trọng này, một lần nữa, chúng ta biểu thị niềm vui mừng, phấn khởi trước sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu to lớn của Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện tốt các quyền con người. Đồng thời, với niềm tin tưởng to lớn về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc chắn rằng vấn đề quyền con người sẽ được chúng ta bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa, và đây sẽ là một trong những động lực để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xin cảm ơn tất cả quý vị đại biểu và đồng bào !