Sáng 18-12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) đã họp, cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 25 - NQ/TW về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới" của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Sáng 18-12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) đã họp, cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 25 - NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Ngoài những nội dung đã được trình bày cụ thể trong dự thảo, hội nghị còn tập trung thảo luận nhiều vấn đề.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tịnh phát biểu tại hội nghị. |
Cơ quan Nhà nước phải coi trọng công tác dân vận
Đồng chí Nguyễn Minh Nhật, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Xuân Lộc, cho rằng trong quá trình thực hiện công tác dân vận, phải coi trọng công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước. Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước nếu làm tốt công tác dân vận thì không gây tác hại cho xã hội, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện.
Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho biết ngay từ khi Đảng mới thành lập, một trong những việc đầu tiên được Đảng quan tâm là công tác vận động quần chúng. Từ khi Đảng thành lập đến nay, Đảng đã có rất nhiều nghị quyết về công tác vận động quần chúng, công tác dân vận. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 25 của Trung ương về công tác dân vận, Đồng Nai đã đặt mục đích phải đạt được “4 tăng”: tăng lòng tin xã hội, tăng đồng thuận xã hội, tăng đoàn kết xã hội và tăng trách nhiệm xã hội. Có “4 tăng” này sẽ là một trong những động lực để ổn định và phát triển xã hội. Song, để đạt được 4 tăng trên, cả hệ thống chính trị phải suy nghĩ: làm gì, làm như thế nào, giải pháp nào để có kết quả. Đồng chí cho biết, tất cả những ý kiến góp ý vào dự thảo kế hoạch của Tỉnh ủy để thực hiện Nghị quyết 25 về công tác dân vận sẽ được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét. Trong đó, sẽ cho ý kiến để xác định công tác dân vận trong hệ thống chính quyền có phải là một trong những nhiệm vụ đột phá của tỉnh thời gian tới. |
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Biên Hòa, cũng cho rằng công tác dân vận của chính quyền mới là quan trọng. Có để xảy ra điểm nóng hay không, phụ thuộc vào công tác dân vận của chính quyền. Bởi chính quyền trả lời tốt, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị, bức xúc của nhân dân thì không xảy ra điểm nóng.
Theo Bí thư Thành ủy Biên Hòa, Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh nên triển khai tới từng chuyên viên sở, ngành về Nghị quyết 25. Đồng chí cho biết, khi tiếp dân mà có bí thư hay chủ tịch UBND, nhưng chưa có lãnh đạo và chuyên viên sở, ngành thì dân cũng chưa yên tâm. Bởi dân biết, có kiến nghị chuyện gì với bí thư hay chủ tịch thì bí thư, chủ tịch cũng lại chuyển kiến nghị đó cho sở, ngành giải quyết. Theo đó, việc để mất lòng dân hay không, liên quan đến trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Khi mất lòng dân là mất rất nhiều thứ.
Đồng chí Trần Nghi Dũng, Bí thư Huyện ủy Trảng Bom, thì đề cập đến vấn đề phải tăng lòng tin cho nhân dân, làm thế nào để khuyến khích dân nói. Thời gian qua đã có nhiều diễn đàn để dân nói, dân được bày tỏ ý kiến qua các cuộc tiếp xúc cử tri, khảo sát dư luận xã hội... nhưng vẫn còn dừng ở mức độ nhất định. Thời gian tới, cần đẩy mạnh tăng cường đối thoại với nhân dân, tăng cường các cuộc điều tra dư luận xã hội, từ đó khuyến khích được nhân dân tích cực tham gia ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng chí cũng cho rằng, thời gian qua các cấp đã tổ chức nhiều hội thi “Dân vận khéo”. “Đừng để “Dân vận khéo” chỉ diễn ra trên sân khấu, thi xong là xong, không áp dụng được trong thực tiễn. “Dân vận khéo” không phải nơi nào cũng giống nơi nào, mỗi nơi phải có phương thức khác nhau” - đồng chí Trần Nghi Dũng nói.
Muốn “Dân vận khéo”, trước tiên phải đúng
Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhận định muốn làm công tác dân vận, trước tiên phải làm đúng, làm chuẩn, sau đó đúng phải kết hợp với khéo. Bởi có người làm đúng nhưng lại không khéo, không đem lại hiệu quả. Do vậy, “Dân vận khéo” là cả một nghệ thuật. Đồng thời trong công tác dân vận, phải có sự coi trọng và hiểu biết lẫn nhau, phải có hạt nhân nòng cốt.
Trong khi đó, dự thảo Kế hoạch của Tỉnh ủy thì đề cập đến giải pháp quan tâm bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ làm công tác dân vận, Mặt trận và các đoàn thể. Một số ý kiến cho rằng, chuẩn bị đại hội Mặt trận các cấp tới đây, yêu cầu của tỉnh là phải bố trí những cán bộ đủ chuẩn cho công việc. Cán bộ có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị là điều rất cần thiết, song thực tế nhiều cán bộ đủ chuẩn, nói chưa chắc dân đã nghe bằng cán bộ chưa đủ chuẩn. Điều quan trọng của cán bộ là làm việc có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết với nghề và có kinh nghiệm công tác.
Đồng chí Hoàng Thị Lài, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhận định khi cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cán bộ, người dân sẽ tạo điều kiện cho những phần tử cơ hội, bất mãn, kích động gây ra những điểm nóng. Bên cạnh đó, muốn phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, phải có cơ chế bảo vệ những người dám đấu tranh chống tiêu cực.
Phương Hằng