Báo Đồng Nai điện tử
En

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

11:12, 04/12/2013

Trong những năm qua, Đồng Nai luôn quan tâm đến công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng nâng cao.

Trong những năm qua, Đồng Nai luôn quan tâm đến công tác chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng nâng cao.

Ông Nhâm Văn Khải, Trưởng phòng Tuyên truyền Ban Dân tộc tỉnh, cho biết việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, chăm lo phát triển văn hóa, giáo dục cho đồng bào dân tộc trong tỉnh đã tạo nên diện mạo mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. 

Phụ nữ Chăm ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) học may tại Nhà văn hóa Chăm. Ảnh: N.Thư
Phụ nữ Chăm ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) học may tại Nhà văn hóa Chăm. Ảnh: N.Thư

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Khu định canh, định cư, của người Mạ ở ấp Bon Gõ, xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú) được xây dựng cách đây gần 20 năm. Đến nay, những căn nhà sàn xập xệ không còn nữa, thay vào đó là những căn nhà xây dựng kiên cố, điện được kéo về đến tận nhà. Ông K’Mãn, trưởng ấp Bon Gõ, cho hay nhờ có khu định canh, định cư và chính sách hỗ trợ nhà ở mà bà con nơi đây được an cư lạc nghiệp, yên tâm làm ăn nên đời sống ngày càng cải thiện.

Đồng Nai có hơn 2,7 triệu dân với 31 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 7,1%. Có 4 dân tộc bản địa là Chơro, Mạ, S’Tiêng và K’Ho, còn lại đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh phía Bắc. Về tôn giáo, toàn tỉnh có 65% dân số là tín đồ các tôn giáo, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 13,04% trong tổng số đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh.

Không riêng ở ấp Bon Gõ mà cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đều cơ bản được xây dựng hoàn thiện. Hầu hết các xã vùng đồng bào dân tộc đều có đường nhựa đi đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế, bưu điện văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, có điện sinh hoạt, sử dụng nước sạch, phương tiện nghe nhìn. Đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng 5 dự án định canh, định cư cho 600 hộ đồng bào dân tộc với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng. Từ năm 2004 đến nay đã có trên 2.422 hộ được hỗ trợ nhà ở, gần 600 hộ được hỗ trợ đất ở, 40 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, còn lại hơn 2.600 hộ được chuyển đổi sang chăn nuôi, đào tạo nghề.

Nhờ đó, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Từ năm 2013 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP vùng dân tộc miền núi đạt trên 6%. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc tăng 3-4%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và dịch vụ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Năm 2008 có 4.264 hộ nghèo dân tộc, chiếm gần 13,7% tổng số hộ dân tộc, đến năm 2013 giảm còn 2.625 hộ, chiếm hơn 7,1% tổng số hộ dân tộc.

Nâng cao đời sống tinh thần

Ông K’De, người uy tín của dân tộc Mạ ở ấp Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) cho biết, những năm qua, nhà nước rất quan tâm đến người dân tộc Mạ, không chỉ thực hiện các chính sách ưu tiên để phát triển kinh tế mà còn xây dựng nhà rông là nơi sinh hoạt cộng đồng, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mạ nên bà con rất phấn khởi.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, đến nay tỉnh đã xây dựng 10 nhà văn hóa dân tộc S’Tiêng, Chơro, Mạ, Chăm ở các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Long Thành, Vĩnh Cửu, Thống Nhất. Ngoài ra, địa phương còn tạo mọi điều kiện cho đồng bào dân tộc sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Ông Đô Hô Sên, người uy tín của làng dân tộc Chăm ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành), cho biết địa phương luôn tạo mọi điều cho người Chăm sinh hoạt tín ngưỡng tại thánh đường Hồi giáo, xây dựng riêng một trường mẫu giáo cho con em đồng bào Chăm để tạo điều kiện cho các em sinh hoạt theo nghi thức của đạo Hồi.

Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục - đào tạo nghề đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là giải pháp chính trong việc nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc. Từ năm 2013 đến nay, số lượng giáo viên, học sinh, sinh viên là người dân tộc không ngừng tăng. Số sinh viên là người dân tộc sau khi tốt nghiệp được bố trí làm tại địa phương. 100% số huyện, xã có dân tộc thiểu số đã hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học và THCS, cơ bản số người trong độ tuổi lao động được xóa mù chữ. “Nhiều con em đồng bào dân tộc Mạ ở ấp Hiệp Nghĩa được Nhà nước cho đi học giờ đã là thầy giáo, cô giáo, từ đó có cơ sở vận động con cháu học hành. Nhờ học chữ, học nghề mà xóa đói, giảm nghèo, đời sống ngày càng khá lên” - ông K’De cho hay.  

Ngọc Thư

 
 

 

Tin xem nhiều