Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông

11:11, 22/11/2013

Tại hội nghị sơ kết hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông được các đại biểu đặc biệt quan tâm bởi đây được xem là khâu đột phá trong phát triển kinh tế.

Tại hội nghị sơ kết hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông được các đại biểu đặc biệt quan tâm bởi đây được xem là khâu đột phá trong phát triển kinh tế.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh (phải) đang kiểm tra dự án cải tạo quốc lộ 20. Ảnh: V.Nam
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh (phải) đang kiểm tra dự án cải tạo quốc lộ 20. Ảnh: V.Nam

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của Đồng Nai đã và đang được đầu tư lớn từ nhiều nguồn ngân sách. Dự báo trong 1- 2 năm nữa, khi phần lớn các dự án hoàn thành, những bất cập lâu nay về giao thông sẽ được khắc phục. 

* Gần 30 ngàn tỷ đồng cho giao thông

Nhiều dự án giao thông trọng điểm bằng nguồn vốn đầu tư của Chính phủ đang được thực hiện tại Đồng Nai, như: đường tránh Biên Hòa, quốc lộ (QL) 51, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, nâng cấp QL20, mở rộng QL1... Dự án hoàn thiện đường dẫn cầu Đồng Nai mới khi hoàn thành trong thời gian tới cùng với công trình cầu vượt tại vòng xoay ngã tư Vũng Tàu sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại đây. Trong khi đó, dự án cầu đường bộ tránh đường sắt từ xã Hiệp Hòa qua phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) đã hoàn thành trước kế hoạch. Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương làm việc với Bộ Giao thông - vận tải để sớm triển khai đường vành đai 3 vùng TP.Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đối với các dự án dùng ngân sách tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, tỉnh đã và đang khẩn trương đẩy nhanh tốc độ thi công đường ĐT 769 (phà Cát Lái - QL51), hương lộ 10 (ranh giới huyện Long Thành với Cẩm Mỹ đến giao đường ĐT 769). Theo kế hoạch, tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện để khởi công dự án đường 25B, đường 319 nối dài ra đường cao tốc và nút giao với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành, cầu An Hảo kết nối vòng xoay Vũng Tàu hướng vào trung tâm TP.Biên Hòa. Riêng với những vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, như: ngã tư Tân Hiệp, Amata, Tam Hiệp sẽ được ưu tiên xây dựng cầu thép dạng lắp ghép.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh xác định, cần ưu tiên ngân sách Nhà nước thích hợp để phát triển hệ thống giao thông nông thôn. Phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 35% số xã đạt các tiêu chí về giao thông, trong đó có 34 xã điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, đến nay vốn của các thành phần đầu tư cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 30 ngàn tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2014 và đầu năm 2015, phần lớn các dự án giao thông sẽ hoàn thành, mở ra khả năng kết nối giao thông thông thoáng và tiện lợi. “Giao thông tăng tính kết nối và Đồng Nai sẽ có rất nhiều thuận lợi để phát triển nhanh, đặc biệt là tăng tính cạnh tranh về thu hút các nguồn đầu tư, đồng thời giảm được tai nạn giao thông do đường sá tốt hơn” - Phó chủ tịch UBND Trần Văn Vĩnh nói.

* Lo tái định cư sân bay

Đối với đề án xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, song nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng đây là dự án cần thiết, vì không có nước nào trên thế giới hiện nay để sân bay trong thành phố. “Chi phí mở sân bay trong thành phố là rất lớn, đồng thời gây thêm kẹt xe. Mặt khác, đề án xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành được rất nhiều nước trên thế giới ủng hộ và sẵn sàng đầu tư vào” - Phó chủ tịch UBND Trần Văn Vĩnh cho hay.

Để chuẩn bị cho dự án này, Đồng Nai đã chuẩn bị 2 khu tái định cư, mỗi khu tái định cư rộng gần 300 hécta. Đến nay, đề án Sân bay quốc tế Long Thành đã được Bộ Giao thông - vận tải hoàn thành, đang trình Chính phủ xem xét. Chính phủ đã thành lập hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư làm chủ tịch, có lãnh đạo phía Đồng Nai là thành viên. Trong tháng 12 này, hội đồng thẩm định sẽ họp phiên đầu tiên và tháng 1-2014 sẽ họp phiên thứ 2.

Dự kiến, đề án Sân bay quốc tế Long Thành sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào đầu năm 2014. Nếu được khởi công sớm, đến năm 2021 hoặc 2022 Sân bay quốc tế Long Thành sẽ được đưa vào sử dụng, mở ra rất nhiều triển vọng phát triển mới cho Đồng Nai.

 Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thị Mỹ Thanh: Tăng tính hấp dẫn nhà đầu tư

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến với Đồng Nai nhưng không vì thế mà tỉnh chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được. Tỉnh cần xây dựng cơ chế tăng tính hấp dẫn để thu hút đầu tư, đồng thời khẩn trương cải thiện cơ chế một cửa trong thu hút đầu tư. Tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị với Bộ Kế hoạch - đầu tư và đã được Bộ trình Chính phủ về chủ trương các nhà đầu tư khi đến địa phương chỉ cần liên hệ với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

 Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Phạm Minh Đạo: Đẩy mạnh

chuỗi liên kết

Hiện nay, việc sản xuất của người dân còn rất manh mún, thiếu tập trung. Do đó, thời gian tới ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết các chuỗi đầu vào và đầu ra trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích việc sản xuất và tiêu thụ tập trung, trong đó có những sản phẩm nông nghiệp được coi là thế mạnh của Đồng Nai, như: điều, tiêu, cà phê, các loại cây ăn trái năng suất và chất lượng cao... Bên cạnh đó, việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo ra năng suất cao, chất lượng đảm bảo, giảm được các rủi ro trong quá trình sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Bên cạnh đó, việc hình thành, phát triển nền nông nghiệp tập trung là sự chuẩn bị cần thiết cho các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Lê Thị Mỹ Phượng: Đổi mới chương trình đào tạo nghề

Thời gian qua, Đồng Nai đã đạt được những bước tiến rất đáng kể về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó công tác đào tạo nghề được tỉnh chú trọng, đầu tư lớn. Thời gian tới, Sở Lao động - thương binh và xã hội sẽ tiếp tục cùng với các ngành liên quan nâng cao công tác dạy nghề, trong đó tập trung đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, tăng đầu tư và sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy nghề. Công tác dạy nghề sẽ bám sát hơn nhu cầu của thị trường lao động, tăng tính gắn kết đào tạo nghề giữa các trường, các trung tâm dạy nghề với các doanh nghiệp. Làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực, ngành nghề để tư vấn, định hướng cho người học...

Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai Nguyễn Thị Lệ Hồng: Tháo gỡ vướng mắc

cho doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, thời gian qua khó khăn luôn nhiều hơn thuận lợi. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Đồng Nai đã nỗ lực phấn đấu dưới sự chung sức của cả hệ thống chính trị và đã từng bước vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đáng quan tâm cần tháo gỡ kịp thời, nhất là trình tự thực hiện đầu tư một dự án thường mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường và nếu không cải thiện thì khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai sẽ rất khó cạnh tranh, thậm chí có những ngành hoàn toàn thất thế.

Thành Nam (ghi)

 

Công Nghĩa

 

 

Tin xem nhiều