Siết chặt tay chúng tôi bằng tình cảm của những người thân lâu ngày gặp lại, Đại úy Lê Việt Hùng (42 tuổi, sĩ quan Lữ đoàn pháo binh 75, thuộc Quân khu 7) dẫn chúng tôi tham quan những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh được đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
Siết chặt tay chúng tôi bằng tình cảm của những người thân lâu ngày gặp lại, Đại úy Lê Việt Hùng (42 tuổi, sĩ quan Lữ đoàn pháo binh 75, thuộc Quân khu 7) dẫn chúng tôi tham quan những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh được đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
* Không ngại thất bại
Tốt nghiệp Trường cao đẳng kỹ thuật Vinhempic năm 1997, Đại úy Hùng được điều động về công tác tại Lữ đoàn pháo binh 75. 16 năm công tác ở Lữ đoàn pháo binh 75 cũng là từng ấy năm anh luôn trăn trở với việc cải tiến vũ khí để phục vụ thực tiễn chiến đấu của đơn vị. “Được giao nhiệm vụ phụ trách quân khí, tôi nhận thấy đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, vất vả; nếu không kiểm tra sâu sát, tỉ mỉ, chính xác trong tổ chức thực hiện, có thể đánh đổi bằng xương máu của đồng đội” - Đại úy Hùng tâm sự.
Đại úy Lê Việt Hùng kiểm tra mạch điện của dàn phóng BM14. |
Luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: “Vũ khí, trang bị là mồ hôi, xương máu của nhân dân”, Đại úy Hùng thường xuyên học hỏi đàn anh đi trước, tự nghiên cứu tài liệu sách, báo để tìm cách cải tiến vũ khí, máy móc. Trong quá trình đảm bảo kỹ thuật cho mạch điện các loại khí tài quân sự, anh đã nghiên cứu thành công “Thiết bị kiểm tra tổng hợp mạch điện bắn dàn phóng BM14”.
Đại úy Hùng kể lại: “Sau nhiều năm quan sát và lắng nghe ý kiến của chiến sĩ khẩu đội pháo BM14, cuối năm 2010 tôi nảy ra ý tưởng cải tiến kỹ thuật kiểm tra mạch điện cho loại pháo này. Được sự đồng tình của cấp trên, tôi đã bỏ hơn 2 tháng để tìm kiếm và mượn những tài liệu về pháo, mạch điện rồi ngày đêm nghiền ngẫm, tìm hiểu cơ chế hoạt động. Sau khi hình dung được những gì cần phải làm, tôi đã đến các cửa hàng điện tử ở TP.Hồ Chí Minh mua linh kiện về lắp ráp thử nghiệm”.
Sau cả tháng vùi đầu vào mớ dây điện, bóng đèn cùng những tài liệu ở đơn vị, Đại úy Hùng đã tạo ra một thiết bị có khả năng kiểm tra, phát hiện hư hỏng của mạch điện trên pháo BM14. Nhưng lần thử đầu tiên của anh thất bại khi thiết bị chưa thực hiện được yêu cầu kỹ thuật đề ra. Không nản chí, anh lại tiếp tục thu thập thêm những tài liệu của Nga về loại pháo BM14 để tìm ra cách khắc phục nhược điểm trên thiết bị. “Điều khó khăn nhất chính là việc tìm được linh kiện phù hợp, vừa thực hiện được yêu cầu đề ra, vừa có độ bền, lại vừa đảm bảo kích thước nhỏ gọn cho thiết bị. Ban đầu tôi thử nghiệm hơn 20 loại dây dẫn và bóng đèn khác nhau để tìm ra những loại thích hợp, dễ thay thế khi trục trặc. Khi thấy tôi cứ ngồi loay hoay với bóng đèn, “vôn kế”, con tôi lại nói nhìn tôi giống như Edison đang tìm kiếm chất liệu cho đèn dây tóc mà nó được nghe kể…” - Đại úy Hùng kể lại.
* Thành công ngoài mong đợi
Băng qua khoảng sân rộng nơi các chiến sĩ mới đang tập điều lệnh, Đại úy Hùng đưa chúng tôi đến trước dàn phóng BM14, hay còn được gọi với cái tên rất quen thuộc là “Kachiusa”. Chọn một khẩu pháo gần nhất, anh nhanh chóng kết nối thiết bị đã chế tạo thành công để giải thích cho chúng tôi cách kiểm tra mạch điện cho loại pháo này. “Khoảng cuối năm 2011, thiết bị do tôi tạo ra đã vượt qua được những thử nghiệm khó khăn nhất và được tham dự cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp quân khu. Với vai trò phụ trách ngành quân khí, tôi cùng với thợ sửa chữa pháo của cơ quan kỹ thuật đã thiết kế thành công giá chỉnh súng tiểu liên AK và dụng cụ tháo lắp mặt gương khóa nòng pháo 105mm. Cả hai sản phẩm này đang được đề nghị dự thi cấp quân khu và công nhận sáng kiến. Năm nay, tôi cũng đang triển khai cải tiến giá nạp đạn cho dàn pháo này” - vừa nói, anh vừa chỉ cho chúng tôi cách hoạt động của thiết bị kiểm tra này.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, Đại úy Lê Việt Hùng còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ… của Lữ đoàn pháo binh 75. Hàng năm, khi bình xét đảng viên tiêu biểu của đơn vị, anh luôn đạt kết quả bình xét cao nhất theo các tiêu chí đã đăng ký. |
Theo lời Đại úy Hùng, cách làm trước đây là phải dùng “vôn kế” kiểm tra mạch điện của từng nòng pháo sau mỗi loạt bắn và mất rất nhiều thời gian. Nhưng với thiết bị do anh tạo ra, chỉ mất một lần kiểm tra để biết được hoạt động của mạch điện trong tất cả các nòng pháo, tiết kiệm được thời gian cho loạt bắn tiếp theo. Hiện tại, thiết bị của anh đã được Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn pháo binh 75 ký quyết định công nhận sáng kiến và đưa vào áp dụng ở các khẩu đội pháo BM14 trong đơn vị.
Đăng Tùng