Cuối năm 1939, mặc dù đang lâm chiến trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, nhưng thực dân Pháp vẫn kiên trì theo đuổi chính sách thống trị Đông Dương. Chúng gấp rút triển khai các biện pháp phát xít hóa và vơ vét sức người, sức của ở Đông Dương nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc.
Cuối năm 1939, mặc dù đang lâm chiến trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, nhưng thực dân Pháp vẫn kiên trì theo đuổi chính sách thống trị Đông Dương. Chúng gấp rút triển khai các biện pháp phát xít hóa và vơ vét sức người, sức của ở Đông Dương nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc.
Tình hình đó đã làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân Đông Dương với thực dân Pháp xâm lược ngày càng gay gắt. Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định) từ ngày 6 đến 8-11-1939, đã chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, trực tiếp xúc tiến chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
* Nhất tề nổi dậy
Quán triệt tinh thần của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ tháng 7 đến tháng 10-1940, Đảng bộ Nam kỳ đã tổ chức nhiều cuộc họp để bàn thảo chủ trương tiến hành các bước chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang rộng khắp. Không khí chuẩn bị khởi nghĩa loang đến từng chi bộ Đảng, từng cơ sở cách mạng. Đến giữa tháng 11-1940, Xứ ủy Nam kỳ đã quyết định phát động toàn Nam kỳ nổi dậy đánh đổ ách thống trị của bọn thực dân xâm lược, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21-11-1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22-11-1940.
Đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, hầu hết các tỉnh, thành ở Nam kỳ từ Biên Hòa đến tận mũi Cà Mau đã nhất tề nổi dậy chống bọn thực dân xâm lược. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, do thiếu cảnh giác nên kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, lại không có sự phối hợp hành động trong cả nước, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Chúng cho 20 phi cơ ném bom triệt hạ từng vùng, đặc biệt là ở những vùng có phong trào phát triển mạnh mẽ. Trong vòng 40 ngày, chúng đã bắt gần 6 ngàn cán bộ, chiến sĩ và những người yêu nước.
* Bùng lên ngọn lửa yêu nước
Tiếp nối ngọn lửa của Nam kỳ khởi nghĩa, với tinh thần cách mạng tiến công, các chiến sĩ cộng sản thoát được trong cuộc đàn áp vẫn kiên cường, âm thầm liên lạc, gầy dựng lại các cơ sở cách mạng trong lòng dân và tiếp tục hoạt động cách mạng. Và chỉ không đầy 5 năm sau đó, nhân dân Nam kỳ cùng với cả nước dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng đã nhất tề đứng lên làm nên thành công vang dội của Cách mạng tháng Tám và liên tục suốt 30 năm sau đó, tinh thần bất khuất của đồng bào, chiến sĩ trong khởi nghĩa Nam kỳ đã góp phần hun đúc nên lòng dũng cảm cho nhân dân ta trong hai cuộc kháng chiến, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Mặc dù bị thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã được lịch sử ghi nhận, đánh giá và đề cao, là điểm son, là bản anh hùng ca bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Nam kỳ.
Vũ Thị Nghĩa