Các đại biểu đã thống nhất cho rằng, thời gian còn lại để Đồng Nai triển khai các nhiệm vụ không nhiều. Chính vì vậy, tỉnh cần tập trung tổng lực các giải pháp nhằm tạo những bước phát triển đột phá để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng.
Tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, các đại biểu đã thống nhất cho rằng, thời gian còn lại để Đồng Nai triển khai các nhiệm vụ không nhiều. Chính vì vậy, tỉnh cần tập trung tổng lực các giải pháp nhằm tạo những bước phát triển đột phá để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tăng trưởng.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. |
Đồng chí Trần Minh Phúc, Ủy viên Ban TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết để thúc đẩy sự phát triển, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện 8 chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2011 - 2015 và trong quá trình thực hiện, từng ngành liên quan phải đeo bám, xây dựng tiến độ theo từng năm.
Khắc phục khó khăn
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc, hướng phát triển bền vững hiện nay của tỉnh là thu hút đầu tư các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, dịch vụ phục vụ sản xuất - kinh doanh, hạn chế thu hút những dự án, lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường. “Tới đây tỉnh sẽ công bố danh mục những ngành nghề sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Đồng Nai sẽ không đánh đổi việc phát triển kinh tế bằng những dự án, ngành nghề gây ô nhiễm môi trường” - đồng chí Trần Minh Phúc khẳng định.
Đồng chí Lê Hồng Phương, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy: “Chỉ còn 2 năm (2014-2015) là kết thúc nhiệm kỳ, nhưng thực tế chỉ còn 1 năm rưỡi nữa là chúng ta phải hoàn thành các chỉ tiêu. Bởi thế, nếu không có quyết tâm chính trị cao thì những mục tiêu còn lại sẽ không thực hiện được. Do đó, các ngành, địa phương phải biết đề xuất giải pháp cùng tỉnh tháo gỡ những khó khăn, chứ không chỉ chờ đợi chỉ đạo của cấp trên nữa”. |
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Thành ủy Biên Hòa, thì cho rằng phải tăng thu nhập cho người nông dân, bởi thu nhập của nông dân hiện nay rất thấp. Trong khi đó, đến mùa vụ là giá phân bón, thuốc trừ sâu lại tăng, đội chi phí sản xuất rất lớn. Do đó, phải có sự quản lý chặt chẽ giá vật tư sản xuất nông nghiệp. Bí thư Thành ủy Biên Hòa cũng tỏ ra lo lắng khi tình trạng quá tải tiếp diễn dẫn đến chất lượng khám chữa bệnh còn chưa cao. “Khi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai mới xây xong cũng không thể giảm tải cho tuyến tỉnh, bởi vậy phải đầu tư cho cả tuyến huyện, tăng cường bác sĩ về vùng sâu, vùng xa. Hiện nay ở Bệnh viện đa khoa Biên Hòa chưa được đầu tư đầy đủ trang thiết bị y tế nên chủ yếu chỉ khám sức khỏe cho công nhân trong doanh nghiệp” - đồng chí Nguyễn Phú Cường nói.
Chủ động ứng phó
Đồng chí Huỳnh Văn Tịnh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, cho rằng tới đây Việt Nam gia nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, điều này vừa có mặt thuận lợi nhưng cũng đưa đến nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong nước khi phải cạnh tranh hàng hóa với thế giới. Do đó, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp trong tỉnh phải có sự chủ động ứng phó với vấn đề này, không để hàng hóa trong nước thua ngay trên sân nhà.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phân tích: Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, Đồng Nai đứng nhóm đầu các tỉnh khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số ở mức độ cao những năm qua làm cho nhịp độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bị ảnh hưởng bởi các vấn đề xã hội. Theo Cục Thống kê, đến tháng 9-2013 dân số Đồng Nai gần 2,8 triệu người, tăng hơn 210 ngàn người so với năm 2010 (bằng cả dân số huyện Long Thành). Việc tăng dân số cơ học tạo áp lực trong việc giải quyết nhà ở, việc làm, chăm sóc sức khỏe, học tập, hưởng thụ văn hóa...
Một vấn đề khác được hội nghị đề cập, đó là việc xây dựng nông thôn mới đang gặp khó khăn. Theo đồng chí Nguyễn Minh Nhật, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Xuân Lộc: “Tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đang bị chững lại do thiếu ngân sách, nên không khởi công các công trình phục vụ xây dựng nông thôn mới. Do vậy, phần huy động đóng góp từ nhân dân góp phần cùng Nhà nước đầu tư xây dựng nông thôn mới, người dân trên địa bàn đang có ý xin rút lại”.
Phương Hằng
15/32 chỉ tiêu vượt và đạt mục tiêu nghị quyết Đối chiếu với 32 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội IX, nửa nhiệm kỳ qua Đồng Nai đã có: - 8/32 chỉ tiêu đạt, cao hơn so với mục tiêu nghị quyết, gồm: thu ngân sách nhà nước/GDP; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; giảm tỷ lệ lao động không có việc làm ở khu vực thành thị; tỷ lệ dân số nông thôn tham gia thể dục - thể thao thường xuyên; tỷ lệ hộ dân có sử dụng điện; tỷ lệ phát triển đảng viên; giảm tỷ lệ đảng viên bị xử lý kỷ luật; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. -7/32 chỉ tiêu đạt so với mục tiêu nghị quyết, gồm: giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ che phủ cây xanh; tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ thu gom xử lý rác thải y tế; tỷ lệ ấp, khu phố có chi bộ Đảng; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh. - 17/32 chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu nghị quyết, gồm: chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội, GDP bình quân đầu người; cơ cấu kinh tế, xuất khẩu; tổng vốn đầu tư phát triển; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng/vạn dân; tỷ lệ bác sĩ, giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ khu phố, hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; tỷ lệ xã có trung tâm văn hóa - thể thao; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt; tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch và tỷ lệ hộ nông thôn dùng nước hợp vệ sinh.
|