Chiều 29-10, tại Kỳ họp thứ 6, các đại Quốc hội (Khóa XIII) làm việc tại Tổ đóng góp ý kiến về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng.
Chiều 29-10, tại Kỳ họp thứ 6, các đại Quốc hội (Khóa XIII) làm việc tại Tổ đóng góp ý kiến về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác phòng, chống tham nhũng.
Ghi nhận kết quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của Chính phủ, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, tình hình tội phạm cơ bản đã được kiềm chế trong bối cảnh khó khăn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan chuyên trách cũng đã được nâng cao; việc chấp hành pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân cũng đã được thực hiện tích cực.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Công chứng |
Tuy nhiên, vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều nơi, với nhiều hành vi nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.
* Giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm
Các đại biểu cho rằng, nguyên nhân tình trạng trên, chủ yếu là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội ở mức đáng báo động. Tội phạm có xu hướng trẻ hoá, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên phạm tội. Công tác phòng ngừa của các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa chủ động nắm chắc tình hình nổi lên trên một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm…
Một số ý kiến đề nghị Báo cáo của Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân chủ quan của các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật, nhất là đối với các nguyên nhân xã hội. Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung một số loại tội danh xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội vào Bộ luật Hình sự; tạo điều kiện về việc làm cho các đối tượng có tiền án, tiền sự, để giảm thiểu nguy cơ phát sinh tội phạm.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần làm tốt hơn nữa việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, bởi đây là những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến tội phạm. Đặc biệt cần tiếp tục rà soát, “bịt kín“ các kẽ hở trong pháp luật hình sự, phòng chống tội phạm; tăng cường trách nhiệm thanh tra, quản lý; tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong phòng chống tội phạm. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, khắc phục những kẽ hở về cơ chế trong phòng, chống tham nhũng, đang là điều kiện để xuất hiện tội phạm.
Ngoài ra, cũng cần đánh giá lại hiệu quả của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng, đảm bảo phát huy hết vai trò của các bộ, ngành; nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan này trong phòng chống tham nhũng.
* Trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước
Tại cuộc thảo luận ở Tổ, nhiều đại biểu vẫn bày tỏ lo ngại trước diễn biến phức tạp của tội phạm, vi phạm pháp luật và tham nhũng. Thời gian qua, có tình trạng bảo kê doanh nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, hoạt động "xã hội đen"...xảy ra ở nhiều nơi. “Vấn đề này, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm”, có đại biểu đã kiến nghị như vậy.
Đề cập đến thực trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một tồn tại chưa thể khắc phục, một số đại biểu cho rằng, các chế tài xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông hiện chưa đủ mạnh; cần được sửa đổi để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa cao hơn. Đồng thời, đề nghị đưa Luật Giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy ngay từ cấp học phổ thông trung học để xây dựng ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho người dân từ khi ngồi ghế nhà trường; bổ sung vào Báo cáo của Chính phủ thống kê về tình trạng vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức để làm căn cứ đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, cần chú ý xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước. Vì theo các đại biểu, một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm là do trách nhiệm quản lý Nhà nước bị buông lỏng.
* Từng bước phát triển nghề công chứng
Trước đó, vào buổi sáng 29-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình về dự án Luật công chứng (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
[links(left)]Theo Tờ trình Về Dự án Luật công chứng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày, cho thấy hoạt động công chứng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều quy định của Luật công chứng không còn phù hợp hoặc còn thiếu so với thực tiễn cần điều chỉnh. Bộ trưởng nhấn mạnh Luật chưa xác định rõ địa vị pháp lý, quyền và trách nhiệm của công chứng viên; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chứng viên có điểm còn dễ dãi, thiếu quy định bắt buộc đối với công chứng viên đang hành nghề… nên khó bảo đảm chất lượng văn bản công chứng.
Bộ trưởng cũng đánh giá quy định về điều kiện thành lập Văn phòng công chứng chưa gắn với tính chất đặc thù của nghề công chứng; thực tiễn hoạt động công chứng phát sinh nhiều vấn đề như Văn phòng công chứng tạm ngừng hoạt động, chuyển nhượng Văn phòng công chứng, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng... nhưng chưa có quy định điều chỉnh dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Các quy định của Luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa có quy định về việc công chứng viên tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các quy định về tổ chức, hoạt động của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên để phát huy vai trò tự quản của công chứng viên phù hợp với đặc thù của nghề công chứng và thông lệ quốc tế.
Theo Bộ trưởng, việc Luật công chứng năm 2006 không tiếp tục quy định công chứng viên được công chứng bản dịch giấy tờ mà giao cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực chữ ký người dịch trong thời gian qua đã dẫn đến chất lượng bản dịch giấy tờ còn nhiều hạn chế trong khi trách nhiệm của người chứng thực và người dịch không rõ ràng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng; thiếu cơ chế hình thành và phát triển đội ngũ người dịch chuyên nghiệp. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch thuật cơ bản bị buông lỏng…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh tới việc cần thiết sửa đổi Luật công chứng để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế. Qua đó để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, đẩy mạnh việc phân cấp cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên trong quản lý hoạt động công chứng từ góc độ nghề nghiệp, tham gia, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước về công chứng.
* Đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật
Tiếp đó, thảo luận về dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với phạm vi điều chỉnh của Luật như quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật trình Quốc hội: “Luật này quy định về hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.” Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc bảo vệ và kiểm dịch thực vật không chỉ là trách nhiệm của nhà nước và cá nhân có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước mà còn là trách nhiệm của cá nhân người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đại biểu phân tích tới những hậu quả khó lường nếu sử dụng thuốc thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng tới hệ sinh thái và sức khỏe con người. Từ phân tích này, đại biểu đề nghị bổ sung thêm hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào phạm vi điều chỉnh của dự Luật.
Thảo luận về thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng (Điều 75) có ý kiến cho rằng, quy định, chi phí thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy từ ngân sách địa phương là không hợp lý , nên quy định lấy từ nhiều nguồn như lấy từ cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, từ các doanh nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn...
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật đều phải nộp thuế, phí bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế bảo vệ môi trường... Nếu quy định chi phí thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật lấy từ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn... thì sẽ rất phức tạp trong việc xác định mức thu; đối tượng thu, phương thức quản lý nguồn thu và không bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng thuốc. Có đại biểu đề xuất cần có quy định về ký quỹ bảo vệ môi trường trong dự thảo Luật. Theo đại biểu tuy sẽ có những phát sinh và phức tạp hơn trong quá trình triển khai như vấn đề về lưu kho, vận chuyển, quản lý…, tuy nhiên số tiền này vẫn sẽ ít hơn nhiều số tiền Nhà nước sẽ phải bỏ ra để giải quyết các vấn đề về môi trường - đại biểu khẳng định. Đại biểu tin tưởng nếu cách thức này được triển khai tốt sẽ đảm bảo được việc thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
Thứ tư, ngày 30-10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi).
P.V (Tổng hợp)