Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược

08:10, 25/10/2013

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 24-10, các đại biểu Quốc hội dành nguyên một ngày để thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội...

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 24-10, các đại biểu đã dành nguyên một ngày để thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.

* Tình hình kinh tế-xã hội đã có chuyển biến tích cực

Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Sản xuất-kinh doanh đã cơ bản phục hồi song còn chưa vững chắc
Sản xuất-kinh doanh đã cơ bản phục hồi song còn chưa vững chắc

Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.”

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích về những mặt còn hạn chế, yếu kém. Đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc; cân đối ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; nợ xấu còn cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%).

Một số ý kiến đánh giá việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Công tác triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm; cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, một số ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Công tác giải quyết việc làm chưa đạt kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khoảng cách giàu-nghèo còn lớn. Nhiều ý kiến đại biểu thể hiện sự lo lắng khi công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nhiều mặt còn hạn chế. Liên tục thời gian gầy đây xảy ra một số vụ việc gây bức xúc trong xã hội; Việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện còn chậm....

Nhiều ý kiến cũng đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần tập trung đi sâu phân tích để làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém, gây bức xúc trong nhân dân.

[links(right)]* Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với mục tiêu Chính phủ đề xuất, trong đó tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn tới tái cơ cấu khu vực dân doanh, có chính sách hỗ trợ để tạo sự đồng bộ trong tổng thể nền kinh tế. Đồng thời, cần tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong đó, điều mấu chốt là tạo dựng niềm tin trong dân bằng các chính sách, cam kết của nhà nước, đặc biệt là cam kết ổn định về lãi suất để người dân yên tâm vay vốn, đầu tư cho sản xuất kinh doanh; có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực kết hợp với phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới

Một số đại biểu thì đề xuất cần thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu; trong ủy ban này ngoài Chính phủ còn cần sự tham gia của Quốc hội và các chuyên gia, với những quy chế, quyền hạn cụ thể.

* Còn hạn chế trong lĩnh vực văn hóa-xã hội

Các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận đều thể hiện sự lo lắng trước những mặt còn hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Một số đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra nhận định nhưng phân tích nguyên nhân chưa đủ rõ và cụ thể; các đánh giá về lĩnh vực xã hội chưa sâu sắc, thấu đáo. Chẳng hạn, việc nhận định khoảng cách giàu nghèo lớn nhưng chưa phân tích để thấy được khoảng cách đó đang ở mức độ nào và các giải pháp để hạn chế khoảng cách này chưa rõ ràng, khả thi.

Theo các đại biểu, cùng với việc chú trọng thông tin tuyên truyền để tăng đồng thuận xã hội, cần quan tâm việc gây dựng lòng tin của nhân dân bằng các hành động của bộ máy nhà nước chính quyền các cấp.

Nhiều ý kiến cũng phản ánh tình trạng còn sự bất cập trong hệ thống pháp luật, cụ thể là việc chậm ban hành các văn bản pháp luật, dẫn đến khó thực hiện, chậm áp dụng, khiến luật khó đi vào cuộc sống. Đây cũng là những bất cập đã được nêu nhiều lần, cần có giải pháp giải quyết khắc phục.

Một số ý kiến cũng đề xuất cần có chính sách thúc đẩy thực hiện chương trình nhà ở xã hội- một trong những vấn đề nhân dân rất quan tâm. Các ý kiến khác đề nghị cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện cải cách hành chính. Nhiều ý kiến tỏ ý lo ngại trước thực trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận trong xã hội, đặc biệt vụ việc vừa xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường đang gây luồng bức xúc trong nhân dân...

* Cảnh báo sự nới lỏng quản lý nhà nước

Qua thảo luận, một số ý kiến thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý nhà nước còn nhiều mặt chưa tốt. Việc tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã có nhiều cố gắng nhưng còn chậm, hiệu quả chưa cao. Cụ thể, khi để xảy ra sự việc gây hậu quả không tốt thì các cơ quan chức năng mới đi kiểm tra xem xét tình hình. Điều này cho thấy việc chưa chủ động nắm tình hình mà vẫn còn “chạy” theo vụ việc của các cơ quan chức năng.

Về công tác quản lý doanh nghiệp, theo một số đại biểu, hiện vẫn còn lúng túng, cần có sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Với tư cách giữa vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, theo đại biểu, phải khẳng định được bằng mọi biện pháp nâng cao hiệu quả sử sụng nguồn vốn nhà nước; đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác quản lý…

Nhiều đại biểu còn bày tỏ những lo lắng trong công tác quản lý nhà nước liên quan tới các vấn đề đang được nhân dân quan tâm như: thực phẩm không an toàn, vấn đề giá cả; tình trạng quá tải tại các bệnh viện công… và đề nghị cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong công tác chỉ đạo điều hành, giải quyết dứt điểm để không gây bức xúc trong nhân dân.

Hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bề vững
Hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững

* Hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững

Đối với nông nghiệp, nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tập trung cao độ cho khuyến khích sản xuất trong nước đối với các doanh nghiệp, hộ nông nhiệp, làng nghề truyền thống bằng các chính sách cụ thể về tài chính, ngân hàng, miễn giảm thuế, giãn nợ... để khu vực sản xuất này phát triển, tăng trưởng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các giải pháp kích thích tiêu dùng cho người dân để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển; xây dựng tiêu chí đánh giá các sản phẩm trong nước chất lượng cao...

Một số đại biểu cho rằng, hiện nay giá vật tư tăng cao trong khi phân đạm không chuẩn, thuốc trừ sâu giả khá phổ biến, ảnh hưởng đến năng suất sản phẩm, thu nhập của người nông dân không đủ cho chi phí sản xuất kinh doanh, không có tích lũy để tái đầu tư...Do vậy, Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho nông dân như: cung cấp giống chất lượng cao, vay vốn hoặc trợ giá mua máy móc nông nghiệp, cung cấp thông tin về giá cả, thị trường để người nông dân có định hướng sản xuất phù hợp, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành chức năng tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc thú y, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc giả; hỗ trợ đào tạo nghề hiệu quả hơn cho nông dân; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho người dân tiêu thụ, mua bán sản phẩm, hỗ trợ liên kết tiêu thụ nông sản hàng hóa…

Đặt biệt, để ngành nông nghiệp vượt qua rủi ro, Chính phủ cần triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ cao, cơ chế hóa cao tạo ra giá trị cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm thu nhập cho người nông dân, chuyển từ sản xuất hàng hóa có giá trị thấp, thị trường hẹp sang thị trường có giá trị cao. Trong đó, cần phát triển khoa học công nghệ, tăng đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ cho sản xuất, tập trung đầu tư cho ngành hàng có lợi như lúa, gạo, cá basa; xây dựng hệ thống cảnh báo nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường, nâng cao vai trò giám sát cộng đồng với dịch vụ công và các hoạt động sử dụng nguồn lực chung…

Theo dự kiến, ngày 25-10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.

P.V (Tổng hợp)

 

Tin xem nhiều