Kết thúc nhiệm kỳ trưởng ấp đầu tiên với những nỗ lực được chính quyền và người dân địa phương ghi nhận, bà Ngô Thị Sáu (57 tuổi, Trưởng ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) tiếp tục nhiệm kỳ trưởng ấp thứ 2 sau thành công trong mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được áp dụng hơn một năm qua.
Kết thúc nhiệm kỳ trưởng ấp đầu tiên với những nỗ lực được chính quyền và người dân địa phương ghi nhận, bà Ngô Thị Sáu (57 tuổi, Trưởng ấp Lộ 25, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) tiếp tục nhiệm kỳ trưởng ấp thứ 2 sau thành công trong mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được áp dụng hơn một năm qua.
Bà Ngô Thị Sáu kiểm tra sổ sách tại nhà. |
* Bám sát địa bàn
Từng trải qua công tác ở Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bàu Hàm 2, sau khi nghỉ hưu, bà Ngô Thị Sáu được người dân địa phương tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp Lộ 25. Trong vai trò trưởng ấp, bà Sáu đã đi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân và bắt tay cùng người dân giải quyết những vấn đề “nhức nhối” diễn ra trên địa bàn ấp.
Là ấp thuần nông, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, ấp Lộ 25 thường xuyên xảy ra tình trạng trộm cắp nông sản, nông cụ, gia cầm… Dù ban ấp đã sử dụng nhiều biện pháp, đồng thời phối hợp với công an xã, dân phòng tuần tra kiểm soát địa bàn, nhưng tình trạng trộm cắp cũng không giảm. Đến cuối năm 2011, khi mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được đưa vào thí điểm ở ấp Lộ 25, bà Sáu đã nhanh trí tìm những cây tre già, tầm vông rồi chặt ra những đoạn dài hơn 1m, sơn hai màu trắng đỏ gọi là “gậy an ninh” để phát cho mỗi hộ dân.
Bà Sáu cho biết: “Khi nghe tiếng kẻng, mỗi người nhanh chóng cầm gậy chạy ra đường, nghe theo hướng kẻng đánh, nếu thấy người lạ đi ngang có hành động đáng ngờ thì chặn lại rồi gọi cho tôi. Chiếc gậy này chỉ được sử dụng trong những trường hợp cấp bách nhất, chứ tuyệt đối không được dùng nó để gây rối trật tự”.
Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn ấp Lộ 25 đã có chuyển biến rõ rệt, tình trạng trộm cắp đã giảm hẳn. Lần gần đây nhất, vào cuối năm 2012, nhờ “tiếng kẻng an ninh” và “gậy an ninh” mà người dân địa phương đã bắt được 2 đối tượng trộm gà và xe đạp giao cơ quan chức năng xử lý.
Không chỉ thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, bà Sáu còn quan tâm đến đời sống kinh tế của người dân trong ấp. Mỗi năm, bà đều cho một số hộ dân khó khăn vay tiền không lấy lãi để đầu tư giống, cây trồng, vật nuôi. “Đây là hình thức giúp nhau giữa bà con láng giềng trong ấp, đầu vụ thì tôi cho một số hộ vay, đến khi thu hoạch thì họ trả lại. Cùng là người làm nông nên tôi rất hiểu và thông cảm cho khó khăn của họ. Giờ tôi giúp họ, sau này tôi khó khăn, họ sẽ giúp lại tôi thôi” - bà Sáu tươi cười nói.
* Khéo léo và tâm lý
Trong vai trò trưởng ấp, khi nhận được tin báo, dù là nửa đêm hay mưa gió, bà Sáu vẫn nhanh chóng đến với người dân đang cần mình. Mỗi khi có người phụ nữ nào đến tố cáo việc bị chồng bạo hành, bà Sáu luôn đợi cả hai bên bình tĩnh rồi mới tìm cách tiếp cận, ngồi hỏi chuyện từng người để tìm ra mấu chốt của vấn đề rồi mới đưa ra hướng giải quyết.
Đánh giá về đóng góp của bà Ngô Thị Sáu trong công tác, Phó chủ tịch UBND xã Bàu Hàm 2 Trần Công Khiển cho biết, bà Sáu đã có thành tích tốt trong công tác dân vận, xây dựng đường giao thông nông thôn, đào tạo nghề, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư và nhiều năm liền bà được nhận giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của UBND tỉnh. |
Bà Sáu cho biết: “Tôi là phụ nữ nhưng trong những chuyện tranh chấp gia đình, tôi không bao giờ bênh vực một phía, mà sẽ lắng nghe cả hai bên. Trong chuyện bạo hành gia đình, không phải lúc nào người đàn ông cũng có lỗi trước. Tôi từng gặp rất nhiều người phụ nữ thường ngày la mắng chồng rất nhiều, đến khi người chồng chịu không nổi mới la người vợ mấy câu, thế là người vợ cho rằng chồng ăn hiếp mình, là bạo hành gia đình. Gặp những tình huống như vậy, tôi phải tỉnh táo để tìm hiểu nguyên nhân và cùng ngồi lại phân tích cho hai bên cùng hiểu”.
Không chỉ chuyện tranh chấp gia đình, gặp phải những vụ việc phức tạp, như tranh chấp đất đai dẫn đến đánh nhau gây mất trật tự khu dân cư, bà Sáu luôn cứng rắn xử lý. Bà còn vận động người dân hiến đất làm đường. Đến nay, bước sang nhiệm kỳ trưởng ấp thứ hai, bà đã vận động người dân hiến đất, góp tiền làm hơn 2km đường bê tông ở các tổ 1, 3 và 5 thuộc ấp Lộ 25. Ngoài công việc trưởng ấp, bà Sáu còn cùng chồng con làm kinh tế nông nghiệp tại nhà, như: nuôi gà, trồng rau… để cải thiện thu nhập.
Đăng Tùng