Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người uy tín của làng

10:10, 27/10/2013

Nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai đã có những đóng góp quan trọng và thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

Nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai đã có những đóng góp quan trọng và thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh, trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí trao bằng khen cho ông Điểu Phê.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí trao bằng khen cho ông Điểu Phê.

Ông Nhân Văn Khải, Trưởng phòng Tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh, cho hay toàn tỉnh hiện có 175 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đóng góp nổi bật của những người có uy tín  thời gian qua là đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp cho ngành chức năng và chính quyền giải quyết kịp thời, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây mất an ninh trật tự ở cơ sở.

* Giữ bình yên xóm làng

Cụ thể như, ông Chiều Quang Vinh, người có uy tín của đồng bào dân tộc Dao ở ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) đã phát hiện ngăn chặn kịp thời vụ giả danh luật sư lừa tiền đồng bào làm sổ đỏ. Ông K’Tân, K’Lư, K’Gõ ở ấp 4, xã Tà Lài (huyện Tân Phú) phối hợp với ban ấp ngăn chặn kịp thời một số hộ dân bị các đối tượng xấu kích động bỏ nhà cửa qua tỉnh khác làm ăn sinh sống. Ngoài ra, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn tham gia vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tránh được khiếu nại đông người, kéo dài.

Điển hình nhất là 6 người có uy tín của đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 xã Bàu Hàm và Sông Thao (huyện Trảng Bom) đã cùng chính quyền địa phương vận động các hộ dân trong dự án hồ Suối Đầm không khiếu nại và đồng ý để đoàn khảo sát đo mức nước, cắm mốc triển khai dự án. Ngoài ra, họ cũng vận động đồng bào dân tộc thiểu số thuộc dự án đường dây 500kV Sông Mây - Dầu Giây nhận tiền đền bù, tránh được khiếu kiện kéo dài, ổn định tình hình an ninh, trật tự ở địa phương.

* Gương sáng của làng

Người có uy tín của đồng bào dân tộc thiểu số cũng là những người sống gương mẫu, tích cực sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; giữ gìn bản sắc dân tộc... Trong đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng sản xuất giỏi, như: ông Lý Phát Sinh, ông Tú Minh ở xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc); ông Đào Văn Minh, Vi Xuân Thứ (huyện Cẩm Mỹ). Không những làm giàu cho mình, họ còn  nhiệt tình truyền đạt cho bà con kinh nghiệm, sẵn sàng hỗ trợ chi phí cho những hộ nghèo có điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí, 5 năm qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, luôn chung sức, chung lòng với Đảng, Nhà nước trong việc nắm bắt tâm tư của đồng bào dân tộc thiểu số; là cầu nối đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách sinh động, dễ hiểu. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin của bà con vào Đảng và chính quyền; khuyến khích bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế; giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Ông Đô Hô Sên, người uy tín của đồng bào dân tộc Chăm ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành, cho biết nhiều năm nay, ông đã duy trì lớp học tiếng Chăm để giữ gìn nét văn hóa của người Chăm. Đồng thời, ông cũng đã kiến nghị địa phương dạy nghề may cho bà con ở ngay nhà văn hóa của làng dân tộc Chăm. Hiện nay, lớp học có 26 học viên do giáo viên Trường cao đẳng nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch trực tiếp giảng dạy. Sau khi học xong, địa phương sẽ liên hệ xin việc làm cho các học viên này.

Ông Đào Văn Tý, người uy tín của đồng bào dân tộc Chơro ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ đã vận động 30 đồng bào tham gia lớp xóa mù chữ do Phòng GD-ĐT huyện tổ chức tại nhà ông Tý. Hay như ông Điểu Phê, người có uy tín đồng bào dân tộc S’Tiêng ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc), là người chịu khó làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Bản thân ông còn hiến đất cho xã xây nhà văn hóa ấp. Ông Điểu Phê chia sẻ: “Muốn bà con nghe mình thì mình phải làm gương, nhất là phải siêng lao động, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Sóc Ba Buông của chúng tôi hôm nay chỉ còn 2 hộ nghèo và ngày càng có nhiều người chịu khó làm ăn, xây dựng nhà cửa khang trang, lo cho con cái học hành”.

Ngọc Thư

 

 

 

Tin xem nhiều