Từ giữa tháng 9-2013 đến nay, ở xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), Long Phước (huyện Long Thành) xảy ra “chuyện lạ”, đó là các cụ già, cán bộ lão thành cách mạng ở địa phương cứ rảnh rang lại lui cui... viết sử.
Từ giữa tháng 9-2013 đến nay, ở xã Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), Long Phước (huyện Long Thành) xảy ra “chuyện lạ”, đó là các cụ già, cán bộ lão thành cách mạng ở địa phương cứ rảnh rang lại lui cui... viết sử.
Thạc sĩ Phan Đình Dũng, thành viên tổ viết sử ghi lại câu chuyện kể của người dân xã Long Phước. |
Chuyện mấy cụ già, cán bộ lão thành cách mạng ở các xã cùng nhau “viết sử” nằm trong kế hoạch biên soạn lịch sử đấu tranh cách mạng (từ năm 1930 đến nay), lịch sử Đảng bộ của các địa phương trong tỉnh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì. Để thực hiện kế hoạch này, bộ phận Lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã làm việc với Đảng ủy một số địa phương, gặp gỡ những ông già bà cả, nhân chứng lịch sử để tập hợp tư liệu.
Nguyện vọng cho mai sau
“Lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta anh hùng lắm. Ngay cả xã nhỏ bé như Long Phước quê tui, trải qua 2 cuộc kháng chiến cũng có rất nhiều chuyện. Chẳng hạn như ngày 13-11-1945, cả xã mấy trăm người đồng lòng kéo ra Long Thành đòi quân Nhật phải thả ông Bí thư Huyện ủy Long Thành Trịnh Văn Dục. Hay năm 1968, cả “trung đội” toàn là phụ nữ trong xã kéo đi đấu tranh chống bắt lính, tổ chức binh vận. Rồi như chuyện tại sao địa danh khi thì Bót Mới, khi thì ấp Đất Mới... Mấy chuyện đó, nếu hổng viết lại, sau này đám con cháu, mấy đứa nhỏ lớn lên đâu có biết. Tụi tui mà chết rồi, là hết chuyện luôn” - bà Phan Thị Lan, xã Long Phước, cho biết. |
Ônh Huỳnh Tấn Bửu, cán bộ Phòng Lịch sử Đảng cho biết, yếu tố đầu tiên trong việc biên soạn lịch sử đó là dựa vào lời kể của chính các nhân chứng lịch sử tại địa phương. Tuy nhiên, do các cụ tham gia hoạt động năm xưa hiện nay đều đã lớn tuổi, lúc nhớ lúc quên, có cụ còn ghi chép lại được nhưng cũng có cụ hoàn toàn không viết được, nên việc thu thập tư liệu cũng phải hết sức linh động. Không viết được, các cụ cứ thoải mái kể, Ban biên soạn sẽ cử chuyên viên, cộng tác viên hoặc nhờ những người trong gia đình, lối xóm ghi chép lại. Từ những tư liệu thô ban đầu, bộ phận biên soạn sẽ tổng hợp, xác minh, thẩm định, đối chiếu với các tài liệu lịch sử khác, tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến đóng góp, sau đó tiến hành biên soạn.
Theo kế hoạch, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ lần lượt ghi chép lại lịch sử của các xã có truyền thống đấu tranh trong tỉnh. Từ nay đến cuối năm 2014 sẽ hoàn thành bản thảo lịch sử của các xã Phú Thạnh và Long Phước.
Bổ sung thêm vào lịch sử địa phương
Bí thư xã Phú Thạnh Huỳnh Minh Đức cho biết, tại nhiều kỳ tiếp xúc cử tri, các cụ cao tuổi, cán bộ hưu trí, cán bộ lão thành cách mạng đã thiết tha đề nghị cần phải ghi chép lại lịch sử đấu tranh của địa phương từ năm 1930 đến nay, vừa là tài liệu lịch sử, vừa để con cháu thế hệ sau biết rõ về truyền thống đấu tranh của chính cha ông trên mảnh đất quê nhà.
Ra “nghị quyết” là không được chết! Điều lo lắng nhất của bộ phận biên soạn là các nhân chứng lịch sử hiện nay đều tuổi đã cao, nhất là các nhân chứng trong thời kỳ chống Pháp. Nếu việc biên soạn không được tiến hành nhanh, có khả năng một số cụ sẽ “ra đi” trước khi tài liệu được hoàn thành. “Mỗi một người ra đi là lịch sử sẽ mất đi một nguồn tư liệu quý. Vì vậy, bên cạnh việc quyết tâm hoàn thành sớm lịch sử địa phương, Đảng ủy xã cũng ra “nghị quyết” là đề nghị các nhân chứng lịch sử phải giữ gìn sức khỏe thật tốt, không được chết” - Bí thư xã Phú Thạnh Huỳnh Minh Đức nói vui. |
Tương tự, Bí thư xã Long Phước Trương Văn Phương cho hay, căn cứ yêu cầu của người dân, cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 có nêu nhiệm vụ là phải biên soạn tài liệu về lịch sử và truyền thống đấu tranh của xã.
Theo đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trước đây bộ phận Lịch sử Đảng đã thực hiện biên soạn lịch sử Đảng bộ của một số địa phương, như: Biên Hòa, Long Thành, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc... và một số đơn vị cấp xã khác. Tuy nhiên, việc biên soạn này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu diễn ra trong thực tế của lịch sử. Vì vậy, việc tiếp tục biên soạn lịch sử đấu tranh, lịch sử Đảng bộ một số xã còn lại trên địa bàn nhằm bổ sung, làm phong phú thêm các phong trào đấu tranh bất khuất tại các địa phương trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời khai thác thêm các tài liệu quý làm cơ sở nghiên cứu cho nhiều công trình khác. “Đây là công việc khó, đòi hỏi nhiều tâm sức, thời gian, trí tuệ, nhưng là nhiệm vụ rất quan trọng phải được hoàn thành với quyết tâm cao nhất” - đồng chí Huỳnh Văn Tới khẳng định.
Để công trình biên soạn lịch sử được chính xác, có giá trị lịch sử cao, cách thực hiện của ban biên soạn cũng phải hết sức khoa học. Bởi, có những sự kiện được nhân chứng cung cấp mang tính chủ quan, dẫn đến cũng một sự kiện nhưng có nhiều “phiên bản” khác nhau. Vì vậy, trong biên soạn cần có sự thận trọng nhất định. Ngoài ra, khi tư liệu đã được hoàn chỉnh thành bản thảo, cần được hệ thống hóa, số hóa để lưu giữ và phát huy giá trị thông qua công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Thanh Thúy