Báo Đồng Nai điện tử
En

"Tam nông" chưa được chú trọng đúng mức

07:10, 31/10/2013

 Tại phiên thảo luận diễn ra trong suốt ngày 31-10 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, có rất nhiều vấn đề được các đại biểu quan tâm theo sát, đặc biệt là vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân...

Hai phiên thảo luận diễn ra trong suốt ngày 31-10 tại nghị trường kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII không chỉ tập trung vấn đề nới trần bội chi như mọi người nghĩ. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn theo sát tiến trình tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là vấn đề nông dân – nông nghiệp – nông thôn. Có ĐB hỏi thẳng, ai cũng nói nông nghiệp là “trụ đỡ” của kinh tế, sao chưa thấy quan tâm?    

Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày cho biết, năm 2013, trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, như: lạm phát thấp, nhập siêu ít… Tuy nhiên, nhóm chỉ tiêu không đạt lại tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP...

* Xài tiền phải đúng chỗ

Liên quan đến chủ đề “nóng" là bội chi ngân sách, các đại biểu đều cho rằng, nên cho phép phát hành trái phiếu, nới trần bội chi để thúc đẩy tăng trưởng. "Tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư, không tăng đầu tư thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lâu dài. Từ đó, tôi tán thành việc mở rộng đầu tư công ở chừng mực hợp lý thông qua phát hành trái phiếu, nới trần bội chi, nhằm kích thích thị trường, tạo việc làm" - ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) phân tích.

Năm 2014, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ngoài ra, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nhịp độ tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt khoảng 5,8%; Tỷ lệ bội chi ngân sách là 5,3% GDP; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng 7%.

Các ĐB khác trong phiên thảo luận buổi sáng cũng đều đồng tình với điều này và hầu hết chỉ băn khoăn là làm sao để “xài tiền đúng chỗ”, để việc phát hành trái phiếu hay nới trần bội chi thực sự đi đúng vào trọng tâm kích thích đầu tư phát triển, chứ không phải dùng để đảo nợ cho quốc gia.

ĐB Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) nhận định cắt giảm đầu tư công chính là một nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chững lại, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, ông đồng tình với đề xuất tăng bội chi ngân sách của Chính phủ nhằm hoàn thành các dự án lớn.

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) thì phát hành 170 ngàn tỷ đồng trái phiếu, nên chú trọng hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông lớn như: QL 1A, 14; các dự án nông thôn – miền núi…  và nhất là, Chính phủ cần có giải trình cụ thể về phân bổ nguồn vốn này, không thể đầu tư tràn lan gây lãng phí.

Tương tự, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nói, bà đồng tình với việc phát hành trái phiếu Chính phủ. “Tuy nhiên, tôi đề nghị tập trung vốn cho hạ tầng, bởi nhiều dự án giao thông quá thiếu vốn” – bà Bé nói.

Trong phiên thảo luận buổi chiều, các ĐB cũng nhấn mạnh khoản vốn tăng thêm cần kiểm soát chặt chẽ, khắc phục việc đầu tư dàn trải, ưu tiên vốn cho những lĩnh vực thiết yếu, các dự án tạo sự thay đổi về cục diện. Về lâu dài, khi kinh tế hồi phục phải giảm tỷ trọng đầu tư công và tăng dần tỷ lệ đầu tư tư nhân.

* Nợ xấu – tái cơ cấu chậm

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tiếp tục là một vấn đề nóng. ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề xuất: “Ngân hàng nào không đủ sức tồn tại thì mạnh dạn xóa bỏ, cũng không nên tiếp tục kiểu cơ cấu lại nợ hay xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC)”. Theo ông Đồng, đây là cách làm “tình thế và khiên cưỡng", bởi sẽ tạo ra số liệu ảo, thực trạng ảo, cũng như về cơ bản không làm thay đổi bản chất vấn đề nợ xấu như hiện nay.

3 lo lắng của ĐB Trần Du Lịch

Phát biểu của ĐB Trần Du Lịch luôn là một trong những nội dung được trông chờ tại nghị trường, nhất là đối với lĩnh vực điều hành chính sách kinh tế. Nhận xét về điều này, ĐB Lịch cho rằng, kinh tế có phục hồi chút chút, song lại nhờ  vào dịch vụ nhiều hơn, vì công nghiệp lẫn nông nghiệp vẫn đang suy thoái.

Ông Lịch nói lên 3 nỗi lo lắng: “Một là niềm tin vào thị trường chưa phục hồi, nhiều DN dù lãi suất ngân hàng rất thấp vẫn không chịu vay tiền. Hai là xuất khẩu tăng nhưng khu vực DN trong nước lại bộc lộ nhiều yếu kém và 3 là thâm hụt ngân sách và nợ phải trả đang bị dồn ép do nhiều năm gần đây, chúng ta toàn vay thương mại”.

Cũng theo đó, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước vẫn đang là khối có sự chuyển biến ì ạch nhất. “Nếu đến năm 2015 vẫn thế thì dân sẽ mất niềm tin. Ngại ngần lớn nhất là làm sao cho 2 năm tới, không phải chỉ xoáy vào tăng trưởng 5 hay 6%, mà là tạo niềm tin cho giai đoạn phát triển xa hơn nữa. Tất cả đang trông chờ vào những quyết sách của chính kỳ họp lần này” – ông Lịch nói.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì cho rằng, vai trò nòng cốt của chính sách tiền tệ là không thể phủ nhận. “Ngân hàng đang phải thực hiện quá nhiều vai trò: tiền tệ, lạm phát, an sinh… Vấn đề hoạt động NH chưa bao giờ hết nóng. Vậy nên, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục bám sát tái cơ cấu ngân hàng” – ông Vinh đề xuất.

Ngoài ra, vấn đề tái cơ cấu cũng được nhiều ĐB đặt ra ở cấp độ tổng thể nền kinh tế và từng ngành: nông nghiệp, công nghiệp… hay ở các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Theo nhiều ĐB, nợ xấu đang hiện diện khắp nơi, giữa DN và DN, DN và ngân hàng, DN và nhà nước… Vì vậy, cần có cái nhìn xác thực để có những quyết sách đúng, không nên né tránh sự thật hay có làm đẹp các con số.

* Chưa chú trọng đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Lĩnh vực tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) được các ĐB đặc biệt quan tâm trong suốt phiên thảo luận buổi sáng và buổi chiều. Tại nghị trường, những vấn đề nóng hổi nhất có liên quan đến tam nông đã được đưa ra bàn: tiêu thụ nông sản, xuất khẩu gạo, thương hiệu nông sản, lợi nhuận và đời sống của nông dân…

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé thắc thỏm: “Chúng ta vẫn chưa giải quyết được đầu ra nông sản. Rồi chúng ta khuyến khích chuyển đất lúa sang trồng hoa màu, nông dân phải bỏ thêm vốn để cải tạo đất, nhưng sản phẩm có đầu ra bền vững không? Nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng lợi ích của người làm nông nghiệp đã được bảo vệ đúng chưa?”. ĐB Kim Bé đề nghị, tất cả các chính sách cho nông nghiệp phải đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu.

Dành toàn bộ thời lượng câu hỏi của mình tại nghị trường cho tam nông, ĐB Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) bức xúc: “Trung bình thu nhập của người nông dân chỉ đạt khoảng 4 triệu đồng/ năm (chưa đầy 200USD). Trong khi đó, phân bón, thuốc trừ sâu giả tràn lan… phản ánh nhiều nhưng kết quả giải quyết rất chậm chạp”.

ĐB Cường dẫn chứng, tăng trưởng chung đang phục hồi, nhưng tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lại giảm theo từng giai đoạn, nay chỉ còn 2,8% là mức rất thấp so với giai đoạn trước. Điều đáng lo ngại, theo ĐB Cường, là đã xuất hiện một bộ phận nông dân không còn tha thiết với nghề nông. Có tỉnh, diện tích bỏ ruộng hàng ngàn hecta là hiện tượng rất không bình thường. Ông Cường tính toán, với một sào ruộng trồng lúa, nếu mưa thuận gió hòa thì cũng chỉ lãi 100-200 ngàn đồng/vụ, còn không thì chỉ huề và lỗ. “Nếu suy thoái nông nghiệp tiếp tục thì vai trò trụ đỡ kinh tế ra sao? Nông dân thu nhập thấp trong tương lai có còn đủ sức tồn tại ?” - ĐB Cường hỏi

Ngày mai 1-11, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận.

Kim Ngân

 

 

         

         

 

Tin xem nhiều