Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển khá

11:09, 27/09/2013

9 tháng qua, toàn tỉnh phải thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội ở Đồng Nai tiếp tục phát triển khá.

9 tháng qua, toàn tỉnh phải thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội ở Đồng Nai tiếp tục phát triển khá.

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu cho biết, GDP của Đồng Nai tăng 11,13% trong 9 tháng qua, đứng đầu cả nước (GDP 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh tăng 9%.)

bà Sri Mulyani Indra Wati

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Nguyễn Phú Cường phát biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: P.Hằng

Những kết quả kinh tế - xã hội

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu, 9 tháng qua các dự án trên địa bàn tỉnh được triển khai khá tích cực. Trong đó đã có 40 dự án mới đi vào hoạt động, chủ yếu là các dự án đầu tư nước ngoài, tạo giá trị sản xuất tăng thêm rất tốt cho địa phương. Tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai hiện đạt 913 triệu USD (đạt mục tiêu nghị quyết). Giá trị giải ngân các dự án nước ngoài đạt hơn 700 triệu USD, cao hơn các năm trước rất nhiều. Điều này làm cho các dự án sớm đi vào hoạt động. Các dự án đầu tư vào Đồng Nai thời gian qua tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án công nghệ cao, xử lý môi trường tốt. Từ đầu năm đến nay, trong 62 dự án được cấp phép mới trên địa bàn tỉnh, có 53 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh việc thu hút đầu tư, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiên quyết thu hồi 22 dự án được cấp phép nhưng chậm triển khai.

Trong 9 tháng của năm 2013, công tác vận động quần chúng và xây dựng Đảng tiếp tục đạt kết quả khá. Trong đó, các cấp chính quyền đã phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể tích cực tuyên truyền và tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật Đất đai sửa đổi. Các Đảng bộ cấp huyện và tổ chức Đảng ở cơ sở đã và đang tích cực tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ 2010-2015.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã giải ngân vốn vay ưu đãi 383 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, trong đó 72 tỷ đồng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng Nai  cũng đã thực hiện giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp tới 273 tỷ đồng và giãn nộp thuế VAT 144 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 9 tháng của năm 2013, Đồng Nai đã có 62 doanh nghiệp nộp hồ sơ giải thể; 48 chi nhánh, văn phòng đại diện nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động; 51 doanh nghiệp, chi nhánh nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh do hoạt động không hiệu quả. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu, đa số các doanh nghiệp trên là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lao động không nhiều nên cũng không ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Trí, các chỉ tiêu văn hóa - xã hội của tỉnh trong năm 2013 hầu hết đã đạt Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Trong đó, tỉnh tập trung 2 lĩnh vực quan trọng là chăm lo thực hiện các chính sách cho người có công, người nghèo và kiên cố hóa trường lớp học. Dù nguồn vốn để xây dựng các công trình kiên cố hóa trường lớp bị hạn chế, nhưng với quyết tâm của các địa phương, từ nay đến cuối năm sẽ có 3/6 trường học thuộc hai huyện Tân Phú và Xuân Lộc được khởi công xây dựng, cơ bản đạt mục tiêu kiên cố hóa trường lớp.

“Nóng” về vốn

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Bồ Ngọc Thu, khó khăn hiện nay mà tỉnh đang phải đối mặt là nhu cầu các dự án sử dụng vốn ngân sách rất lớn, tăng nhiều lần so với các năm trước nhưng hiện nay nguồn vốn lại có giới hạn. Còn Giám đốc Sở Xây dựng Tạ Huy Hoàng chia sẻ, cũng do đang gặp khó khăn về vốn nên các dự án nhà ở xã hội bị ảnh hưởng trong triển khai thực hiện.

Một vấn đề khác được Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Đoàn Thạnh cho hay, hồ Trị An năm nay chưa một lần xả nước, trong khi mùa mưa sắp kết thúc. Do vậy, nguy cơ thiếu nước là điều rất có khả năng xảy ra. Các địa phương thuộc khu vực dọc theo  sông Đồng Nai sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có thể bị hạn hán.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Điệp cũng khẳng định, mặc dù 9 tháng qua kết quả thực hiện các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh có khả quan, song tiến độ đầu tư các công trình giao thông trọng điểm còn chậm. Nguyên nhân theo ông là do khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng.

Cũng liên quan đến vấn đề về vốn, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Long cho biết, tỉnh có 2 công trình trọng điểm về văn hóa, là: dự án di tích Nhà lao Tân Hiệp và dự án di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Trong đó dự án di tích Nhà lao Tân Hiệp có kinh phí xây dựng 30 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa từ sự đóng góp của các ngân hàng, nhưng hiện nay chỉ huy động được 275 triệu đồng. Trong khi để triển khai  giai đoạn 1 của dự án này dự kiến kinh phí xây dựng là 10 tỷ đồng. Còn dự án di tích Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh cần đến 69 tỷ đồng.

Bên cạnh những khó khăn trên, việc thu ngân sách ở khối doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp so với dự toán. Công tác thu nợ thuế tuy có cố gắng nhưng số nợ thuế đến nay vẫn còn cao, khoảng 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi quy hoạch khu dân cư và khu đô thị chậm. Việc xóa bỏ các bãi rác không phù hợp quy hoạch chưa đạt kế hoạch đề ra. Chưa xây dựng được kế hoạch và lộ trình triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt ở TP.Biên Hòa và các đô thị. Tình trạng học ca 3 ở Biên Hòa chưa được khắc phục, năm học 2013-2014 còn 32 lớp bậc tiểu học phải học ca 3. Tình hình an ninh trật tự được giữ vững nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là khiếu kiện đông người liên quan đến các dự án chợ. Trong khi đó, số lượng đảng viên bị xử lý kỷ luật tăng, chủ yếu ở khối Nhà nước (chiếm 38%) và cấp cơ sở (75%).

Phương Hằng

 
 

 

 

 

Tin xem nhiều