Sáng 30-8, Đại đội Lam Sơn thuộc Tiểu đoàn Quang Trung, Trung đoàn 310 (tiền thân là Chi đội 10, thành lập ngày 27-3-1948) vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng.
Sáng 30-8, Đại đội Lam Sơn thuộc Tiểu đoàn Quang Trung, Trung đoàn 310 (tiền thân là Chi đội 10, thành lập ngày 27-3-1948) vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành cho đơn vị từng làm nên những chiến công vang dội trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thăm bia tưởng niệm Đại đội Lam Sơn ở phường An Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.VIỆT |
Nhắc lại giai đoạn lịch sử đã qua, ông Nguyễn Xuân Mai, nguyên Chính trị viên Đại đội Lam Sơn, hiện là Phó ban liên lạc truyền thống Đại đội Lam Sơn, bày tỏ niềm tự hào: “Đại đội Lam Sơn ra đời trong thời điểm ác liệt của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp; đơn vị phải tự chiến đấu, tự tăng gia sản xuất, tự nuôi sống mình để tồn tại. Gian khó trăm bề, thường xuyên đói cơm, lạt muối, nhưng với lòng yêu nước và ý chí quyết tâm đánh giặc, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đơn vị đã chiến đấu kiên cường và lập nên những chiến công xuất sắc”.
Còn ông Huỳnh Tấn Phát, cựu chiến binh Đại đội Lam Sơn, nguyên Giám đốc Sở Tài chính, thì nói: “Đa số CBCS của đơn vị lúc đó là con em Biên Hòa tình nguyện đi đánh giặc, không sợ khổ và hy sinh, chỉ có niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và thắng lợi cuối cùng của cách mạng”.
Ra đời trong khói lửa
Hơn 60 năm trước, sau chiến công vang dội của trận đánh giao thông La Ngà trên quốc lộ 20 của Chi đội 10 ngày 1-3-1948, thế và lực của bộ đội ta ngày càng lớn mạnh. Cùng thời gian này, thực dân Pháp tăng cường đánh phá ác liệt vào các vùng căn cứ cách mạng để mở rộng vùng kiểm soát và bình định nông thôn với quy mô ngày càng lớn.
Tính đến cuối năm 1951, Đại đội Lam Sơn đã đánh tổng cộng 54 trận, gồm: 16 trận chống càn, 26 trận phục kích, 4 trận đánh cứ điểm, 8 trận đánh giao thông, tiêu diệt hơn 200 tên địch, 49 xe cơ giới, 25 ghe thuyền, 1 đầu máy và 2 toa xe lửa. Trong 9 năm kháng chiến chống pháp, có 80 CBCS Đại đội Lam Sơn hy sinh trên chiến trường Biên Hòa. |
Trước diễn biến của chiến trường, ngày 27-3-1948, thực hiện Chỉ thị của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, Khu ủy Khu 7 đã tổ chức hội nghị thảo luận việc xây dựng các trung đoàn ở địa bàn miền Đông trên cơ sở các chi đội hiện có, đồng thời quyết định chọn Chi đội 10 phát triển thành Trung đoàn 310. Biên chế của Trung đoàn 310 gồm có 3 tiểu đoàn: Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn và Quang Trung (tiền thân là Đại đội A, B, C của Chi đội 10). Mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội, trong đó Đại đội Lam Sơn, thuộc Tiểu đoàn Quang Trung, do đồng chí Lương Văn Nho làm Tiểu đoàn trưởng.
Đại đội Lam Sơn được giao nhiệm vụ đứng chân ở Chiến khu Bình Đa và tổ chức các hoạt động đánh địch trên các địa bàn: Chiến khu Đ, Hố Cạn, Đại An, Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Trảng Bom. Đây là những địa bàn trọng yếu có các trục quốc lộ 1, 20, 15; đường liên tỉnh 16, 24; đường sông Đồng Nai; đường sắt Nam - Bắc và nhiều cơ sở kinh tế, hậu cần quan trọng của thực dân Pháp.
Hoạt động của Đại đội Lam Sơn quanh nội ô TX.Biên Hòa đã khiến quân Pháp điên cuồng, lo lắng. Chúng liên tiếp tổ chức các cuộc tấn công, càn quét nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng, triệt hạ vùng căn cứ kháng chiến nằm sát nách TX.Biên Hòa, như: Bình Đa, Hố Cạn, Tân Phong... Tuy nhiên, với trình độ chiến đấu được nâng cao và được trang bị vũ khí tốt, đặc biệt là có nhiều CBCS dày dạn kinh nghiệm qua thực tiễn chiến đấu, thông thạo địa bàn, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với du kích địa phương liên tục đánh phá giao thông địch, bẻ gãy các cuộc càn quét quy mô của địch vào căn cứ, bảo vệ vững chắc vùng chiến khu.
Chiến công nối liền chiến công
Đại tá Dương Ngọc Tân, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Lam Sơn, bồi hồi nhớ lại, suốt thời gian đứng chân hoạt động trên chiến trường Biên Hòa và hành quân cơ động tác chiến trên nhiều địa bàn của tỉnh, dưới sự cưu mang, đùm bọc, che chở của nhân dân, đơn vị vừa tác chiến độc lập, vừa phối hợp với đơn vị bạn tổ chức hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ, gây cho quân Pháp những tổn thất nặng nề. Nhiều trận đánh, bây giờ nhắc lại CBCS đơn vị và nhân dân đều dậy lên niềm tự hào. Như trong tháng 3-1947, diệt bót Vĩnh Cửu, đại đội đánh địch ở Truông Nước Nhĩ (Tam Hiệp), góp phần to lớn trong việc hình thành Chiến khu Bình Đa. Tháng 8-1947, đại đội phối hợp cùng du kích địa phương diệt đồn Phước Lai, sau đó diệt đồn Helena (Long Thành) và phối hợp nội tuyến diệt đồn Bến Gỗ. Đầu tháng 1-1948, đại đội tổ chức phục kích tiêu diệt 10 xe quân sự Pháp trên đường 15; phối hợp với du kích địa phương phục kích đánh địch tại ngã ba sông Long Điền, bắn chìm 18 ghe chở lính, diệt 50 tên địch, thu 30 súng các loại. Cuối tháng 10-1948, Đại đội Lam Sơn và các đơn vị trong Tiểu đoàn Quang Trung do đồng chí Lương Văn Nho trực tiếp chỉ huy đã tổ chức trận phục kích đánh đoàn xe 7 chiếc kéo be có sự tham gia hộ tống của bọn lính lê dương ở Chi khu Trảng Bom, khiến quân địch hoàn toàn tê liệt, quân ta phá hủy 7 xe, thu nhiều vũ khí...
Cay cú trước những thất bại liên tiếp với lối đánh bất ngờ, táo bạo của Đại đội Lam Sơn trên chiến trường Biên Hòa, ngày 11-12-1948, quân Pháp đã huy động hơn 1 ngàn quân, 37 xe cơ giới tấn công vào Chiến khu Bình Đa. Quân địch chia lực lượng thành 2 gọng kìm, cánh thứ nhất từ Tiểu khu Biên Hòa (Nhà máy cưa BIF) đi theo đường số 1 đánh xuống và cánh thứ 2 theo đường 15 từ bót Bến Gỗ đánh lên.
“Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ của Đại đội Lam Sơn, năm 1952 được xem là năm đơn vị đối diện với nhiều khó khăn về thiên tai, địch họa. Thực dân Pháp đẩy mạnh càn quét, đánh phá nhằm chia cắt các xã căn cứ và thực hiện bao vây kinh tế, gây cho đơn vị nhiều khó khăn, tổn thất. Trong khi đó, vào giữa tháng 10-1952, một cơn bão lớn ập vào khu vực miền Đông, mưa kéo dài cả tuần khiến các sông: Đồng Nai, La Ngà, Sông Bé tràn bờ. Chiến khu Đ và các xã ven sông thuộc huyện Vĩnh Cửu ngập chìm trong biển nước, phải đến cả tuần mưa mới dịu, nước mới rút dần. Bão lụt, nước ngập đã làm toàn bộ hoa màu của dân và của bộ đội bị hư hỏng. Lương thực, thực phẩm khan hiếm, bộ đội rơi vào tình trạng đói cơm, lạt muối, chỉ ăn rau rừng, củ mài, củ chụp để cầm cự cả tháng trời, sức khỏe của bộ đội giảm sút hẳn, có người chỉ còn da bọc xương. Không khoanh tay chịu đói, một mặt đơn vị giao nhiệm vụ cho bộ phận quân nhu tung quân đi khắp nơi để mở cửa khẩu thu mua gạo, muối về nuôi quân, mặt khác đơn vị chủ động nghiên cứu đánh đồn bót địch, đánh giao thông, cướp vũ khí, cướp lương thực của địch về nuôi quân và giúp dân vượt qua thời kỳ đói khổ. Trong tận cùng của sự đói rét ấy, đơn vị đã mai phục và đánh trúng đoàn xe chở lương thực, thực phẩm thực dân Pháp chở cho Trường sĩ quan Đà Lạt. Lúc ấy, trinh sát đóng giả lính gác đường của địch để chặn xe, khống chế các tên áp tải đưa xe vào tận rừng sâu để quân dân ta dễ bề vận chuyển lương thực vào chiến khu. Trận đánh diễn ra nhanh chóng và bí mật, khiến 2 ngày sau địch phát hiện và tìm đến nơi thì chỉ còn thấy xác của 2 chiếc xe đã bị đốt cháy. Trong trận đánh này, đơn vị đã thu được nhiều tấn lương thực, thực phẩm, gồm: gạo, bột mì, đường, sữa, đồ hộp, nhưng lại không có mặt hàng rất quan trọng là muối. Trong lúc thu hồi chiến lợi phẩm, anh em phát hiện có 2 thùng đựng “đèn cầy”, mỗi cây lớn bằng cườm tay, dài độ 30cm, bọc giấy kiếng đục có lớp sáp tráng bên ngoài rất cẩn thận và sang trọng. Tưởng là thứ không ăn được, anh em định bỏ lại. Rất may, trong đại đội có một chiến sĩ từng có thời gian làm đầu bếp cho Tây đã phát hiện đó là xúc xích, một loại thực phẩm cao cấp, bổ dưỡng nên đã nhanh chóng thu gom. Khi mang về đơn vị phân phát lại cho anh em ăn thử, ai cũng gật gù: “xúc xích Tây ngon thật” - Đại tá Dương Ngọc Tân, nguyên Đại đội trưởng Đại đội Lam Sơn, kể lại. |
Trước sự uy hiếp của giặc, Đại đội Lam Sơn cùng các đơn vị của Tiểu đoàn Quang Trung phối hợp với du kích địa phương chia thành các mũi nhỏ đánh địch. Suốt buổi sáng 11-12-1948, bộ đội ta đã 3 lần tổ chức đánh tập kích vào các cụm quân địch, kết hợp với bắn tỉa và chia địch ra để đánh, khiến địch bị thiệt hại nặng, dẫn đến hoang mang. Đến 14 giờ cùng ngày, trận càn của địch bị bẻ gãy hoàn toàn. Tinh thần chiến đấu kiên cường của Đại đội Lam Sơn kết hợp với du kích địa phương cùng các đại đội trong Tiểu đoàn Quang Trung đã đập tan âm mưu tấn công, lấn chiếm căn cứ Bình Đa của giặc Pháp, bảo vệ căn cứ an toàn, tiếp tục tạo thế cho cán bộ Việt Minh vào hoạt động sâu trong lòng TX.Biên Hòa.
Cuối năm 1949 cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sau nhiều lần thực hiện chủ trương của trên về bố trí lại lực lượng cho phù hợp với tình hình cách mạng, Đại đội Lam Sơn được bố trí lại và mang nhiều phiên hiệu khác nhau, với nhiệm vụ nặng nề hơn, địa bàn cơ động tác chiến rộng hơn. Nhưng với sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân và lối đánh sắc bén, hiệu quả cao, đơn vị đã cùng với lực lượng vũ trang nhân dân Biên Hòa đánh hàng trăm trận lớn, nhỏ, góp phần quan trọng trong việc đánh bại các thủ đoạn chiến thuật của thực dân Pháp, đưa Biên Hòa trở thành tỉnh dẫn đầu đánh giao thông, kho tàng, tháp canh của địch.
Đức Việt