Báo Đồng Nai điện tử
En

Một công an được dân lập miếu thờ

09:08, 19/08/2013

Nghe Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai Mai Sông Bé tiết lộ có một nhân viên Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa (tiền thân của Công an Đồng Nai ngày nay) hy sinh, được người dân lập miếu thờ và suốt hơn nửa thế kỷ nay, lúc nào cũng khói nhang nghi ngút, chúng tôi liền đi tìm rõ thực hư.

 

Nghe Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai Mai Sông Bé tiết lộ có một nhân viên Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa (tiền thân của Công an Đồng Nai ngày nay) hy sinh, được người dân lập miếu thờ và suốt hơn nửa thế kỷ nay, lúc nào cũng khói nhang nghi ngút, chúng tôi liền đi tìm rõ thực hư.

* Miếu ông Ba Tiền

 Chạy theo con đường Huỳnh Văn Nghệ về hướng huyện Vĩnh Cửu, đến đoạn ngang chợ Bửu Long (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), đối diện với bến đò sang cù lao Thạnh Hội (thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), chúng tôi nhìn thấy một ngôi miếu nhỏ nằm sát bên đường đang lập lòe ánh đèn nhỏ ghi hàng chữ: “Miếu ông Ba Tiền”.

Miếu ông Ba Tiền.
Miếu ông Ba Tiền.

Rất lạ, là miếu nằm trước cổng “công sở xã Bửu Long”, mà hàng mấy chục năm trước ngày giải phóng miền Nam, bọn tề ngụy dùng làm nhà hội, nơi hàng ngày làng lính Bửu Long tập trung làm việc, được canh phòng chặt chẽ. Nhiều người cao tuổi ở gần miếu khẳng định: “Ông Ba Tiền là công an Việt Minh bị Tây bắt, đem chặt đầu ngay tại chỗ đó. Ông dũng khí lẫm liệt lắm, quan Tây dụ dỗ, mua chuộc không được, nên tra tấn rất dã man, ông vẫn không khai báo nửa lời. Dân chúng vì cảm phục ông mà tự lập miếu thờ. Ông linh lắm, bà con quanh đây ít khi dám gọi tên, mà hay nói là “Cậu Ba”, gọi miếu là… Miếu Ông”.

Mặc dù thấy dân chúng ở Bửu Long và cả xã Tân Thành (nay đều thuộc phường Bửu Long) gần bên cứ ngày đêm nhang khói cho ông “Công an Việt Minh”, nhưng cả mấy đời hương chức hội tề ở đây, cũng như đám lính đóng bót Bửu Long gần đó đều lờ như không biết, không dám đụng đến ngôi miếu linh thiêng này.

Nghe chuyện cũng ly kỳ, nhưng khi chúng tôi hỏi tên thật và gốc gác của “Cậu Ba Tiền”, những người lớn tuổi ở quanh ngôi miếu đều không biết.

* Nhân chứng hiếm hoi

Qua giới thiệu của Trung tá Bùi Quang Đông, Trưởng công an phường Bửu Long, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Hai Khanh (tên thật Nguyễn Tấn Nhứt, ngụ ở KP.2, phường Bửu Long), một cựu chiến binh 86 tuổi, hoạt động cùng thời với “Cậu Ba Tiền”.

Nhắc đến liệt sĩ Ba Tiền, ông Hai Khanh xúc động nói: “Anh Ba chết thay tui!”. Và ông chậm rãi kể: “Vào buổi sáng một ngày đầu tháng 4-1946, tui cùng một nhân viên tình báo tên Mẫn đi trinh sát ở gần bót Bửu Long (nay là trường dạy lái xe), thì thấy có tên lính ngồi hớt tóc một mình với khẩu súng trường bóng loáng. Giao anh Mẫn đứng canh chừng, tui nhào đến chụp khẩu súng, rồi chĩa vào đầu tên lính, kêu anh Mẫn vào trói và dẫn đi qua căn cứ bên Tân Ba (huyện Tân Uyên). Qua thẩm tra thấy tên lính còn quá trẻ, lại luôn miệng khóc lóc xin tha mạng để về nhà nuôi mẹ già đang đau yếu, nên sau khi giáo dục, chúng tôi đã thả hắn về.

Không ngờ, tên lính quay về đồn báo cáo toàn bộ sự việc. Hoảng sợ vì chuyện để cho cây súng trường lọt vào tay Việt Minh, tên Ách Ất, Trưởng bót Bửu Long, ra lệnh tống giam tên lính và khẩn báo lên thượng cấp. Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Tiểu khu Biên Hòa tức tốc huy động lực lượng có chiến xa, tàu sắt hỗ trợ chia làm nhiều cánh vây chặt toàn bộ khu vực Tân Thành - Bửu Long để… càn quét cán bộ Việt Minh và lấy lại cây súng trường, vũ khí cá nhân hiện đại nhất vừa được trang bị cho một số ít (lúc đó lính partisans được trang bị chủ yếu là súng mousqueton bắn từng phát một).

Trận càn có quy mô lớn và bất ngờ, làm lực lượng kháng chiến bám trên địa bàn không kịp trở tay. Một số cán bộ, trong đó có anh Mẫn bị bắt và bị giặc Pháp đưa ra chặt đầu, quăng xác xuống sông. Hai nhân viên Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa còn rất trẻ là Trôi và Nổi leo lên ngọn dừa ngoài bờ sông Đồng Nai dùng lựu đạn ném xuống tàu sắt cũng bị chúng bắn rơi xác xuống sông...

Nhờ thông thạo địa hình, tui nhanh chân lẻn theo đường núi, chạy qua cánh đồng hoang, lần mò thoát khỏi vòng vây. Nhưng đồng chí Ba Tiền, một chiến sĩ Quốc gia tự vệ cuộc của Biên Hòa, đã bị bắt tại đám rừng Tân Thành (nay là khu vực cổng Khu du lịch Bửu Long).

Bắt được “công an Việt Minh nguy hiểm”, bọn giặc rất mừng, chúng đưa anh Ba Tiền về công sở xã Bửu Long, nơi đặt bản doanh dã chiến Bộ Chỉ huy hành quân. Ban đầu chúng dụ dỗ, mua chuộc để người chiến sĩ cách mạng sinh trưởng tại làng Bình Trước tự khai báo để được hưởng lượng “khoan hồng” của Nhà nước Đại Pháp, nhưng khi thấy anh khăng khăng giữ vững khí tiết, chúng điên cuồng tra tấn, rồi treo anh lên xử bắn.

Nhìn thấy người chiến sĩ QGTVC đã chết hẳn, tên sĩ quan Pháp hô lên: “Couper la corde!” (cắt dây). Lúc đó, tên lính Việt gian có lẽ tâm thần đang bấn loạn, tưởng nhầm là: “Couper la tête!” (cắt đầu), nên đã vung mã tấu chặt đầu anh Ba Tiền. Tên sĩ quan Tây chỉ còn biết giận dữ tuôn ra một tràng chửi thề.

Ông Hai Khanh cho biết, sự kiện này xảy ra vào khoảng tháng 6-1946. Nhưng căn cứ vào sử liệu có thể tạm xác định không quá tháng 4-1946, vì vào giữa tháng 4-1946, các đồng chí: Nguyễn Văn Ký, Phạm Văn Thuận, Hồ Văn Đại… đã tổ chức họp tại gò Võ Sa (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu) để triển khai việc thực hiện Sắc lệnh số 23/SL ngày 21-2-1946 của Chủ tịch nước Hồ Chí Minh về việc đổi tên Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa thành Ty Công an Biên Hòa. Thời điểm đó, ông Hai Khanh đoan chắc: “Anh Ba Tiền là Quốc gia tự vệ cuộc Biên Hòa”. Ông Hai Khanh không nhớ rõ họ của ông Ba Tiền là Huỳnh Văn Tiền hay Huỳnh Bá Tiền, nhưng nhớ được lúc đó ông mới 21 tuổi, còn “người chết thay” ông đã 27 tuổi.

Nếu đúng như vậy thì “Cậu Ba” Huỳnh Văn Tiền tạm thời có một lý lịch trích gọn như sau: Sinh năm 1919, tại xã Bình Trước, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa; hy sinh khoảng tháng 4-1946 tại xã Bửu Long.

Bùi Thuận

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều