Trước kia, con đường liên khu 3, khu 4 (ấp 6, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) nối với ấp Suối Đục và 2 xã Bình An, Bình Sơn (huyện Long Thành) vào mùa mưa là ngập lụt.
Trước kia, con đường liên khu 3, khu 4 (ấp 6, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) nối với ấp Suối Đục và 2 xã Bình An, Bình Sơn (huyện Long Thành) vào mùa mưa là ngập lụt. Thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân, tập thể cán bộ ấp 6, xã Sông Nhạn đã tích cực vận động bà con cùng chung tay làm mới con đường liên ấp, liên huyện này.
Ông Phạm Văn Thuận (áo trắng) giới thiệu về con đường bê tông nhựa. |
Ông Phạm Văn Thuận, Trưởng ấp 6, phấn khởi cho biết đoạn đường dài 3,6km, rộng 3,5m với tổng kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 70%. “Để vận động nhân dân trong ấp tham gia làm đường, chúng tôi đã đi đến từng nhà gặp gỡ, nói cho dân hiểu được sự cần thiết phải làm mới con đường này. Sau khi bà con nhất trí, có 104 hộ ở 2 khu 3, 4 đồng thuận đóng góp 8 triệu đồng/hộ. Khi tiến hành làm đường, có những khúc cua, đoạn có bề ngang hẹp, dễ gây nguy hiểm cho người đi đường, nhiều hộ dân cạnh đó đã tự nguyện hiến đất mở rộng đường” - ông Thuận nói.
Sau 2 tháng hoàn thành và đưa vào sử dụng, bà con trong ấp 6 đã có đường nhựa để đi, ai cũng phấn khởi, vui mừng vì không còn phải dắt bộ đi qua đoạn đường sình lầy. Nhân dân đã có thể chở hàng hóa nông sản ra các chợ của huyện Long Thành gần đó để bán với giá cao, không phải phụ thuộc quá nhiều vào thương lái như trước.
Là Trưởng ấp 6, ông Thuận luôn trăn trở làm sao để giảm bớt khó khăn về đường, điện, trường, trạm cho 243 hộ dân trong ấp. Đến nay, 100% số hộ dân ấp 6 đã có điện thắp sáng, có nước sạch để dùng. Dự kiến cuối năm nay, ấp sẽ tiếp tục đổ bê tông xi măng đoạn đường tại khu 3 dài 600m, dần dần xóa đường đất sình lầy.
“Phải làm sao để dân biết, dân bàn, dân cùng làm với chính quyền, với Nhà nước thì mọi việc mới suôn sẻ, thành công. Chỉ khi nào ý kiến, việc làm của cán bộ hợp với lòng dân, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân thì khi ấy mới làm tốt công tác dân vận” - ông Thuận bày tỏ.
An Yên