Huyện Tân Phú có nhiều xã vùng sâu, như: Tà Lài, Đắk Lua, Nam Cát Tiên…, nên công tác giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Huyện Tân Phú có nhiều xã vùng sâu, như: Tà Lài, Đắk Lua, Nam Cát Tiên…, nên công tác giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Hàng năm, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (gọi tắt là Đội Quản lý hành chính) Công an huyện Tân Phú đã giải quyết hàng ngàn hồ sơ về điều chỉnh hộ khẩu, nhân khẩu, cấp đổi giấy chứng minh nhân dân (CMND).
* Đơn giản thủ tục
Đội Quản lý hành chính được chia làm 3 tổ cơ bản với chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Trong đó, Tổ CMND với công tác cấp CMND đã góp phần tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân dễ dàng đến đăng ký cấp mới, cấp đổi và cấp mất mỗi khi có nhu cầu.
Người dân đến làm việc tại Tổ chứng minh nhân dân Công an huyện Tân Phú. |
Tổ CMND hiện có 3 chiến sĩ, vừa làm việc tại đội, vừa phối hợp với công an các xã vùng sâu cẩn thận rà soát từng trường hợp, đến từng nhà dân hướng dẫn làm CMND. Người dân trên địa bàn huyện cũng có thể trực tiếp đến liên hệ làm việc tại trụ sở công an huyện vào các ngày thứ hai và thứ bảy.
Nhưng để người dân không phải đi xa, tiết kiệm được thời gian và công sức, vào các ngày thứ ba, thứ tư hàng tuần, Tổ CMND đã chủ động đến các xã vùng sâu, vùng xa làm việc và công tác này được thực hiện quanh năm. Riêng “Tháng Thanh niên” hay trước mùa mưa bão, tần suất đi - về của các chiến sĩ nhiều hơn.
Nhờ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm những yêu cầu không cần thiết, cộng với tinh thần làm việc nhiệt tình, nên số lượng cấp mới, cấp đổi CMND ở Tân Phú tăng đáng kể. Trước đây, trường hợp mất CMND làm lại (cấp mất) mất 40 ngày, nay giảm xuống còn 22 ngày; thời gian cấp mới 25 ngày, giờ chỉ còn 14 ngày; lệ phí làm CMND cũng giảm đáng kể… Điều đặc biệt ở Tổ CMND là mọi thông tin đều được niêm yết công khai, tạo thuận lợi cho người dân tham khảo, đối chiếu.
Đến làm lại giấy CMND tại Đội Quản lý hành chính, anh Trần Văn Lâm (29 tuổi, ngụ xã Phú Lâm) vui vẻ cho biết: “Hồi trước, do sợ làm lại CMND sẽ phiền hà nên tôi rất ngại. Việc rút ngắn thời gian cấp mất đã tạo điều kiện cho người dân chúng tôi tích cực làm CMND hơn trước. Không có CMND, tôi muốn đi làm ăn xa, vay mượn tiền bạc chẳng được…”.
* Lặn lội vùng sâu
Ở các xã vùng sâu có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chuyện vượt quá độ tuổi 20 nhưng chưa có CMND khá phổ biến. Nhiều trường hợp do chưa có CMND nên việc làm ăn, học tập, lao động gặp nhiều bất lợi, chưa kể đến khó khăn trong việc kiểm tra, quản lý nhân khẩu…
Việc Công an huyện Tân Phú trực tiếp đến với người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa làm giấy CMND góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà và chi phí đi lại cho người dân nơi đây. |
Tuy nhiên, để giúp người dân làm CMND, Tổ CMND gặp không ít khó khăn bởi quân số còn hạn chế. Những ngày làm việc tại cơ sở, tổ phải huy động thêm các cán bộ ở tổ khác. Địa bàn dân cư trong huyện khá phức tạp, dân nhập cư nhiều, trong đó có không ít dân tộc thiểu số, nên công tác tuyên truyền, vận động người dân làm CMND khá vất vả. Có những trường hợp, cán bộ trong Tổ CMND phải đến tận nhà dân để hỗ trợ làm thủ tục.
Quy trình cấp CMND vốn dĩ không mấy phức tạp, nhưng việc đi lại mới là gian khổ. Khởi hành từ sáng sớm, trải qua vài giờ di chuyển bằng xe máy, qua phà, đến cuốc bộ, nhưng vừa tới các xã xa xôi, các chiến sĩ công an đã khẩn trương bắt tay vào việc. Người thì hướng dẫn kê khai hồ sơ, người chụp hình, lấy dấu vân tay…, trông ai cũng tất bật, bởi người dân đã tập trung chật kín hội trường xã.
“Đi xa ai cũng vất vả, nhưng khi làm giấy CMND cho người già mới là vấn đề nan giải nhất. Bởi việc nhớ các thông tin cá nhân với các cụ gặp nhiều khó khăn. Trong khi, họ rất cần giấy CMND để giải quyết quyền lợi về chế độ chính sách mà Đảng, Nhà nước quan tâm. Vất vả là thế, nhưng khi vào cuộc ai nấy đều thấy tận tình, nhìn người dân vui, dân quý mà hạnh phúc trong mình cũng tràn đầy” - Đội phó Đội Quản lý hành chính Nguyễn Văn Doanh tâm sự.
Thanh Hải