Năm 2011, trước Hội đồng duyệt hàm phó giáo sư, ông gây ấn tượng với câu trả lời: “Tôi không xin phong hàm phó giáo sư để được cơ cấu hay lên chức, tôi làm vì mục tiêu trồng người của mình”...
PGS.TS Phạm Văn Sáng |
Từng được phong danh hiệu một trong 10 lãnh đạo CIO xuất sắc khu vực Đông Dương; nhận giải thưởng Thành tựu điện tử xuất sắc do Trung tâm Cơ hội số của Diễn đàn châu Á - Thái Bình Dương trao tặng; nhiều lần đạt giải thưởng Sao Khuê; từng ngồi ghế giám khảo cuộc thi công nghệ thông tin - truyền thông châu Á - Thái Bình Dương (APICTA)… Năm 2011, trước Hội đồng duyệt hàm phó giáo sư, ông gây ấn tượng với câu trả lời: “Tôi không xin phong hàm phó giáo sư để được cơ cấu hay lên chức, tôi làm vì mục tiêu trồng người của mình”.
* Học ngành tài chính, từng là Trưởng ban Kinh tế HĐND tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, tại sao ông lại chọn cho mình con đường làm khoa học, mà khởi đầu là công nghệ thông tin?
- Sự ham thích công nghệ thông tin đến từ năm 1989, trong chuyến đi công tác lần đầu đến Cao Hùng (Đài Loan), tôi vừa ngạc nhiên vừa ngưỡng mộ khi nhìn thấy chiếc máy tính lần đầu tiên trong đời. Thời đó, cả Đồng Nai vẫn chưa có chiếc máy tính nào, hiện đại lắm cũng chỉ mới có máy đánh chữ in ronéo. Một thời gian sau, tôi có được chiếc máy tính để bàn đầu tiên, hồi đó là quý lắm. Và cứ sau giờ làm việc, tôi bắt đầu mày mò học những bài học vỡ lòng về máy tính với một đồng nghiệp bấy giờ là một trong những người kỹ sư đầu tiên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin. Sự say mê ban đầu ấy, theo đuổi mãi đến giờ, khi công nghệ thông tin đã có những bước tiến vượt bậc cả trên thế giới lẫn tại Việt Nam.
* Lý tưởng của ông về khoa học là gì?
- Tôi có 2 mục đích: cải cách hành chính và hướng về nông nghiệp - nông thôn. Ai cũng biết, nông thôn là nơi ít được đầu tư nhất, nên tôi hướng về đó. Trong suy nghĩ của tôi, khoa học hay công nghệ chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó có sức lan tỏa đến cuộc sống, đến cộng đồng. Tôi không làm khoa học trong tháp ngà, không trở thành một nhà nghiên cứu thuần túy, dù nó cũng có ý nghĩa riêng của nó, tôi muốn khoa học và công nghệ có thể tạo ra sản phẩm, được thương mại hóa.
PGS.TS Phạm Văn Sáng sinh năm 1958. Tốt nghiệp đại học năm 1980. Năm 1988: Cử nhân Nga văn. Năm 1997: Cử nhân chính trị. Năm 2000: Thạc sĩ kinh tế. Năm 2003: Tiến sĩ kinh tế. Năm 2005: Cử nhân Anh văn. Năm 2011 trở thành phó giáo sư đầu tiên của Đồng Nai. |
* Điều yêu thích nhất trong công việc của ông?
Thực ra, điều tôi yêu thích nhất trong sự nghiệp của mình không đến từ những thành tựu và giải thưởng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mà là những chương trình đào tạo nguồn nhân lực, cụ thể là “Đào tạo sau đại học”. Tôi đề xuất chương trình này với tỉnh khi mới về Sở Khoa học - công nghệ. Từ năm 2007 đến nay chương trình đã giúp 1.400 người được đào tạo cao học, bằng cách hỗ trợ tài chính và trả bằng năm công tác. Còn ở cấp xã, phường, từ năm 2004, tôi phấn đấu mỗi xã hàng năm có 50 người được đào tạo công nghệ thông tin, đến nay số lượng người được đào tạo cũng đã lên tới 7 ngàn người. Đồng Nai đã gần như “xóa trắng” số cán bộ xã, ấp “mù” tin học. Tôi không tham vọng tạo ra một đội ngũ sáng tạo khoa học, mà trước hết, tôi muốn tạo ra một đội ngũ đủ kiến thức để ứng dụng tốt các sản phẩm khoa học.
* Ông nói mình làm khoa học với tư duy một nhà kinh tế. Hai điều này có mâu thuẫn nhau?
- Theo tôi thì không. Như đã nói, tôi không làm khoa học với tư duy của một nhà nghiên cứu, tôi làm khoa học dựa trên tư duy sản phẩm, tập trung ở 2 hướng: cải cách hành chính và nông nghiệp - nông thôn. Ở cả 2 hướng, tôi đều cố gắng tạo ra những sản phẩm có thể ứng dụng được, thậm chí bán được, chẳng hạn phần mềm “M-office” - một sản phẩm công nghệ thông tin đã được thương mại hóa mà nhiều tỉnh, thành có nhu cầu được Sở chuyển giao. Từ năm 2007, tôi bắt đầu chuyển sang công nghệ sinh học, với hướng nhìn cũng về nông nghiệp - nông thôn.
“Tôi không làm khoa học với tư duy của một nhà nghiên cứu, tôi làm khoa học dựa trên tư duy sản phẩm, tập trung ở 2 hướng: cải cách hành chính và nông nghiệp - nông thôn”. |
* Là người tiên phong trong nhiều chương trình, dự án, ông có thấy mình cô độc?
- Tôi không thấy mình cô độc, vì bên cạnh tôi là những cộng sự giỏi và tâm huyết. Tôi còn có đội ngũ nhân viên trẻ, có tri thức và hoài bão.
* Ông là người khởi xướng các dự án tiên phong như Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học ở Cẩm Mỹ, và gần đây nhất là dự án Bảo tàng khoa học ở Đồng Nai. Có phản biện cho rằng ông đang “chơi nổi, thiếu thực tế”. Bản thân ông có tin rằng những dự án trên sẽ thành công không?
- Tôi có lòng tin, vì đi kèm đó là cách làm bài bản. Có những dự án thực sự khó khăn, nhưng phải “liệu cơm gắp mắm”, phải làm từng bước. Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học ở Cẩm Mỹ đến nay, tuy chưa được đầu tư theo kế hoạch, song đã thu hút được nhiều dự án vào. Cụ thể, đã có 4 dự án bên ngoài xin vào đầu tư, còn dự án theo mô hình công - tư liên kết thì có hơn 10 dự án.
Sở Khoa học - công nghệ Đồng Nai tặng “Hệ thống lọc nước uống” cho chiến sĩ hải quân bảo vệ quần đảo Trường Sa (tháng 5-2013). |
Chúng tôi nghiên cứu giống, rau quả chất lượng cao, giống nấm, nghiên cứu các mô hình nông nghiệp công nghệ cao… Từ nay đến năm 2015 sẽ là giai đoạn tiếp thu, 2016-2020: giai đoạn phát triển, và sau 2020, sẽ là giai đoạn đủ tiềm lực để sáng tạo. Riêng dự án Bảo tàng khoa học, hiện có những bước đi đúng theo lộ trình đã vạch ra.
* Ông có từng trải qua thất bại? Ông làm gì với sự thất bại đó?
- Dĩ nhiên là có. Có những việc không hẳn là thất bại, song sau khi hoàn thành, tôi nghĩ, nếu mình làm thế này, hoặc chọn thời điểm này thì sẽ thành công hơn, tốt hơn. Đó luôn là những bài học. Gần đây nhất, năm 2010 tôi bảo vệ hàm phó giáo sư tại Hà Nội lần đầu, bị rớt. Năm 2011, tôi xin bảo vệ lại. Một giáo sư trong hội đồng hỏi tôi: “Người ta phấn đấu thành phó giáo sư để làm giám đốc sở. Còn anh?”. Tôi trả lời: “Tôi không trở thành phó giáo sư để được cơ cấu hay lên chức, tôi cũng không còn đủ tuổi để cơ cấu. Tôi làm vì mục tiêu trồng người của mình”.
“Ai cũng biết, nông thôn là nơi ít được đầu tư, nên tôi hướng về đó. Trong suy nghĩ của tôi, khoa học hay công nghệ chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó có sức lan tỏa đến cuộc sống, đến cộng đồng”. |
* Liệu có “đụng chạm” nào giữa vai trò người làm khoa học và một quan chức không?
- Nếu là một nhà khoa học nghiên cứu thuần túy, thì sẽ có “đụng chạm” lớn. Tuy vậy, tôi làm khoa học dưới góc độ nhà quản lý, do đó chức vị mang lại cho tôi các điều kiện cần thiết để làm tốt nhiệm vụ của mình: làm lan tỏa những ứng dụng của khoa học trong cuộc sống.
* Phẩm chất nào của một nhà khoa học được ông đánh giá cao nhất?
- Là sự say mê. Lợi ích phải đi sau, xếp sau niềm say mê đó chứ không nên đứng trước, vì hãy tin rằng, khi niềm say mê thực sự mang lại thành quả, thì lợi ích sẽ đến, không cần sốt ruột.
Kim Ngân (thực hiện)