Trong một lần chống càn năm 1974, ông Đoàn Trung Ngọc bị mìn nổ mất bàn tay phải. Nỗi đau về thể xác không làm cho ông gục ngã, mà còn là động lực để ông tiếp tục chiến đấu gan dạ, ngoan cường.
Ông Đoàn Trung Ngọc đang cho hươu ăn. |
Trong một lần chống càn năm 1974, ông Đoàn Trung Ngọc bị mìn nổ mất bàn tay phải. Nỗi đau về thể xác không làm cho ông gục ngã, mà còn là động lực để ông tiếp tục chiến đấu gan dạ, ngoan cường.
Năm 1975, ông Ngọc ra quân, từ Bình Dương về ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom lập nghiệp. Cuộc sống mới với muôn vàn khó khăn đối với ông. Một năm sau, ông lập gia đình. Vợ ông đã giúp ông vượt qua hết khó khăn này đến thử thách khác...
Năm 2008, ông Ngọc thu tiền tỷ với thanh long ruột đỏ và hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá. Mới đây, ông lại tiếp tục nuôi thử nghiệm 20 con heo rừng lai, gần 10 con nhím và 4 con hươu. “Cả xã chưa có mô hình nào nuôi 3 loại con này nhưng qua tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi thử” - ông Ngọc bộc bạch.
Hiện tại, ông Ngọc có 7,5 hécta thanh long ruột đỏ; 1,5 hécta ao cá với đủ các loại. Mỗi năm ông thu lợi 200 triệu đồng từ ao cá và trên 2 tỷ đồng từ thanh long ruột đỏ.
Để có được thành công ngày hôm nay, biết bao mồ hôi, nước mắt đã đổ xuống. Những lần lặn lội một mình từ Đồng Nai đến các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ học hỏi kinh nghiệm làm giàu càng thôi thúc ông nỗ lực hơn nữa. Tất cả các lớp tập huấn do Trạm Khuyến nông huyện hay Hội Nông dân xã tổ chức đều có ông tham gia. Ghi chép, nghiên cứu tỉ mỉ, dự đoán tình hình, tìm mối tiêu thụ đều được ông Ngọc làm rất bài bản.
Người thương binh hạng 3/4 Đoàn Trung Ngọc còn tạo được việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương, lương tháng trung bình 4 triệu đồng/người. Ngoài ra, ông còn xây 2 căn nhà tình thương cho các gia đình khó khăn trong xã. Theo ông Ngọc, đó là những việc ông có thể làm để sẻ chia với cộng đồng.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Thịnh Trần Văn Tân chia sẻ: Ông Ngọc luôn là người tiên phong mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đậu ván đến dưa leo, điều, tiêu, chôm chôm. Và hiện tại, mô hình thanh long ruột đỏ của ông đem lại hiệu quả hàng tỷ đồng mỗi năm. Các cựu chiến binh trong xã lấy đó là mô hình điểm để làm theo. Ai chưa hiểu điều gì đều được ông Ngọc tận tình giải thích, giúp đỡ, từ chọn giống đến kỹ thuật chăm sóc, đầu ra cho sản phẩm. “Sắp tới Ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7, chúng tôi tổ chức Hội thi kể chuyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Và ông Ngọc chính là tấm gương sáng về phẩm chất người lính Cụ Hồ trong thời bình đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới ngày một giàu đẹp để mọi người cùng học tập” - ông Tân tự hào nói.
Hạnh Dung