Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về vấn đề văn hóa có những thay đổi quan trọng so với Hiến pháp năm 1992. Lĩnh vực văn hóa được đề cao, giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về vấn đề văn hóa có những thay đổi quan trọng so với Hiến pháp năm 1992. Lĩnh vực văn hóa được đề cao, giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Khoản 1, Điều 64 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Nhà nước và xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ, tiến bộ; bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.
* Trách nhiệm giữ gìn
Hiến pháp cần gắn trách nhiệm cụ thể cho công dân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Công dân có ý thức với văn hóa thì chắc chắn một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc sẽ được gìn giữ và phát huy những thế mạnh vốn có của nó. Và việc hiến định để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, nhân văn thời kỳ hội nhập là điều chúng ta cần đặt ra. Vậy nên, khoản 1, Điều 64 cần được bổ sung, thay cụm từ “Nhà nước và xã hội” bằng cụm từ: “Nhà nước, xã hội và mọi công dân”.
Một tiết mục tham gia liên hoan đờn ca tài tử tỉnh năm 2013. |
Khoản 2, Điều 64 cũng chỉ rõ: “Phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân, góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn của người Việt Nam; phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội”. Đây có thể được coi là điểm mới, tiến bộ khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 khẳng định, phát triển văn học, nghệ thuật, các phương tiện thông tin để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Với định hướng này sẽ tạo thuận lợi cho các ngành văn hóa phát triển vượt bậc, tạo bước đi vững chắc, nhanh chóng hội nhập quốc tế.
Một vấn đề mà nhiều người quan tâm hiện nay là các di tích, di sản, công trình văn hóa được trùng tu và tôn tạo một cách cẩu thả làm mất đi nét văn hóa đặc trưng. Việc đối xử quá tệ với các di tích lịch sử, di sản văn hóa, các công trình nghệ thuật, danh lam, thắng cảnh... đã xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia. Vì vậy, cần bổ sung thêm vào khoản 4, Điều 64 như sau: “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm, phá hoại các di tích lịch sử, các di sản văn hóa, các công trình nghệ thuật, danh lam thắng cảnh của quốc gia”.
* Văn hóa là mục tiêu phát triển
Điều 64, khoản 1 đã chỉ rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực phát triển của đất nước...”. Bởi vậy, để văn hóa thăng hoa, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng, cần đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ không chỉ có tài, có kiến thức mà phải có văn hóa, đạo đức, lối sống tốt đẹp, cách ứng xử văn minh, lịch sự... Bên cạnh đó, gia đình cũng là nền tảng quan trọng của xã hội. Văn hóa gia đình góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng một nền văn hóa tiến bộ. Một đất nước có nền văn hóa vững chắc sẽ là nền móng cho xã hội, là mục tiêu tạo bước thúc đẩy đất nước phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững.
Trong xu thế phát triển của đất nước thời kỳ hội nhập, một số vấn đề về văn hóa Việt Nam đã nảy sinh nhiều thực trạng đáng buồn. Việc lợi dụng lễ hội, tín ngưỡng, tâm linh làm méo mó, biến tướng những nét đẹp cổ truyền của dân tộc. Việc “nhập khẩu” văn hóa ngoại lai làm “tổn thương” giá trị văn hóa Việt. Đó là chuyện các người đẹp, diễn viên, người mẫu... ăn mặc phản cảm khi biểu diễn, có lối sống buông thả đã ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ. |
Sự kết hợp giữa kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội để đạt được mục tiêu của Đảng là nhằm xây dựng nước Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Một đất nước phát triển thì cần có sự phát triển hài hòa giữa lĩnh vực văn hóa với các yếu tố kinh tế - xã hội. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đưa ra định hướng hết sức sát thực, nâng tầm lĩnh vực văn hóa lên một nấc thang mới, xác định được vai trò vô cùng quan trọng của nó, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước.
Đào Văn Khởi