Thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị Quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (gọi tắt NQ49), ngành tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã có nhiều đột phá, như: đổi mới tranh tụng tại tòa và giải quyết án; tăng thẩm quyền xét xử tòa cấp huyện; xây dựng đề án thành lập 6 tòa sơ thẩm khu vực…
Thực hiện cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị Quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (gọi tắt NQ49), ngành tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã có nhiều đột phá, như: đổi mới tranh tụng tại tòa và giải quyết án; tăng thẩm quyền xét xử tòa cấp huyện; xây dựng đề án thành lập 6 tòa sơ thẩm khu vực…
Xét xử lưu động, một hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả của ngành tòa án. |
8 năm thực hiện NQ49, ngành TAND tỉnh thụ lý hơn 91 ngàn vụ án các loại và đã giải quyết gần 87 ngàn vụ. So với thời điểm trước, số lượng án các loại thụ lý tăng 6.782 vụ (tỷ lệ tăng 88,45%) và giải quyết tăng 7.410 vụ. Riêng số lượng án bị hủy do sai là 668 vụ (chiếm tỷ lệ 0,77%), án bị sửa 1.419 vụ (tỷ lệ 1,63%).
Nỗ lực giải quyết án
Với số lượng án “khổng lồ” đã thụ lý và giải quyết, Chánh án TAND tỉnh Huỳnh Văn Lưu cho rằng, ngành TAND tỉnh đã giải quyết đạt và vượt chỉ tiêu do TAND tối cao giao hàng năm. Đáng chú ý, lượng án thụ lý hàng năm ở tỉnh đều tăng, tính chất ngày càng phức tạp, trong khi chỉ tiêu biên chế (nhất là thẩm phán) tăng không đáng kể.
“TAND tối cao đề ra chỉ tiêu mỗi thẩm phán giải quyết từ 4-6 vụ án/tháng, trong khi đó mỗi thẩm phán ở Đồng Nai phải giải quyết trung bình 9-10 vụ án/tháng. Riêng thẩm phán ở TAND TP.Biên Hòa, phải giải quyết 14-15 vụ án/tháng mới đạt được tỷ lệ án cần phải giải quyết” - ông Lưu cho biết.
Theo đánh giá của TAND tỉnh, Luật Tổ chức TAND đã tạo cơ sở pháp lý cho việc phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, cơ quan bổ trợ tư pháp cũng như các ngành hữu quan được thuận lợi. Nhất là việc phối hợp giữa liên ngành công an - viện kiểm sát - tòa án trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự luôn nhịp nhàng, đảm bảo không để lọt tội phạm, không gây oan sai cho người vô tội. Đồng thời, vai trò của tòa án được thực hiện đúng theo tinh thần cải cách tư pháp, tính dân chủ trong hoạt động xét xử được đề cao, quyền của bị cáo, luật sư, đương sự được đảm bảo, chất lượng tranh tụng tại tòa được nâng cao.
Khó khăn cần tháo gỡ
Để thực hiện NQ49, TAND tỉnh đã xây dựng đề án thành lập TAND sơ thẩm tại 6 khu vực, gồm: Trảng Bom, TX.Long Khánh, Xuân Lộc, Định Quán có quy mô trung bình; TP.Biên Hòa và Long Thành có quy mô lớn. Dự kiến, tổng biên chế của 6 tòa khu vực là 550 người, gồm: thẩm phán 241 người, thư ký tòa 241 người, công chức văn phòng 68 người. So với biên chế tòa tối cao phân bổ cho Đồng Nai 294 người như hiện nay, thì cần phải bổ sung thêm 258 người, đó là điều không dễ làm ngay.
Trụ sở làm việc hiện có của các tòa cấp huyện chưa đáp ứng điều kiện của TAND sơ thẩm khu vực. Hiện mới có TAND TP.Biên Hòa (sẽ là tòa sơ thẩm khu vực) được TAND tối cao chấp nhận và đưa vào kế hoạch đầu tư xây trụ sở vào năm 2014, với diện tích 5 ngàn m2 tại phường Bửu Long. “Trụ sở của đơn vị phải có nhiều phòng xử; thẩm phán và thư ký phải có phòng làm việc độc lập với đương sự; phòng luật sư nghiên cứu hồ sơ; phòng lưu giữ bị cáo trong quá trình xét xử; khuôn viên rộng… Việc xây dựng trụ sở các tòa khu vực sẽ tốn kinh phí rất lớn” - ông Lưu cho biết thêm.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cải cảch tư pháp theo tinh thần NQ49, ngành TAND tỉnh đã đề nghị TAND tối cao cấp nhanh kinh phí để xây dựng tòa sơ thẩm khu vực Biên Hòa; công tác ban hành nghị quyết hướng dẫn về nghiệp vụ cần kịp thời để việc áp dụng pháp luật ở cấp dưới khỏi lúng túng; sớm có chính sách đãi ngộ tiền lương cho cán bộ, công chức hành chính ngành tòa án; tăng số lượng thư ký tòa học nghiệp vụ xét xử để tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán...
Thành Nhân