Hiện nay, khi đi công chứng, người dân ngoài trả phí công chứng còn phải trả tiền thù lao công chứng.
Hiện nay, khi đi công chứng, người dân ngoài trả phí công chứng còn phải trả tiền thù lao công chứng. Mức phí công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng và văn phòng công chứng) là như nhau. Riêng mức thù lao công chứng, Luật Công chứng cho 2 bên thỏa thuận nên chưa có một mức giá thống nhất.
Người dân làm thủ tục công chứng tại Văn phòng công chứng Bình An. |
Bà Nguyễn Thị Phương, ở ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom), cho biết tại thị trấn Trảng Bom chỉ có Văn phòng công chứng (VPCC) Bình An. Người dân muốn nhân viên VPCC đến nhà lấy chữ ký hay đến UBND xã xác minh giấy tờ phải trả phí từ 200-300 ngàn đồng/lần đi lại. Theo bà Phương, mức thu như trên là cao, vì xã Quảng Tiến cách thị trấn Trảng Bom chỉ 1km.
* Chưa có quy định thống nhất
Tương tự, nhiều người dân ở xã Quảng Tiến cũng phản ánh, công chứng thủ tục sang tên xe máy tại VPCC Bình An, ngoài phí công chứng theo quy định là 50 ngàn đồng/trường hợp, VPCC này còn thu thêm phí thù lao công chứng từ 100-300 ngàn đồng. Trong khi Nhà nước quy định thu phí trước bạ có 78 ngàn đồng, do đó mức thu như trên là cao nhưng người dân không có cơ sở để đối chiếu, VPCC thu có đúng hay không.
Hiện toàn tỉnh có 20 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 4 phòng công chứng và 6 văn phòng công chứng, chủ yếu tập trung ở Biên Hòa, Long Khánh, Trảng Bom, Vĩnh Cửu... |
Người dân bức xúc là thế, nhưng theo giải trình của VPCC Bình An với Sở Tư pháp, thì văn phòng này đã thu tiền theo đúng quy định. Vì tại khoản 3, Điều 57, Luật Công chứng, thù lao công chứng do người yêu cầu công chứng và tổ chức hành nghề công chứng thỏa thuận. Theo đó, công chứng thủ tục sang tên xe máy, thù lao công chứng, bao gồm thù lao soạn thảo hợp đồng và phô tô các giấy tờ có liên quan là 100 ngàn đồng/lần; trường hợp thu 300 ngàn đồng là do phí công chứng ngoài trụ sở.
* Đi lại nhiều lần
Từ tháng 2-2012, UBND tỉnh thực hiện chuyển giao thẩm quyền chứng thực các hợp đồng dân sự từ UBND cấp xã sang các tổ chức hành nghề công chứng. Thực tế, việc chuyển giao này mang lại thuận lợi cho người dân, nhất là đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng giao dịch dân sự. Tuy nhiên, do hiện nay số lượng các tổ chức hành nghề công chứng còn ít nên người dân phải đi xa.
Đang xây dựng biểu mức thu thù lao công chứng Ông Phan Văn Châu, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết việc chuyển giao chứng thực các hợp đồng giao dịch dân sự từ UBND xã sang các tổ chức hành nghề công chứng là thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hiện chủ yếu các cơ sở hành nghề công chứng thỏa thuận với người yêu cầu công chứng theo quy định tại Điều 57, Luật Công chứng. Do đó, việc thu thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh còn chưa thống nhất. Sở Tư pháp đang xây dựng biểu mức thu thù lao công chứng, tổ chức lấy ý kiến tổng hợp hoàn chỉnh để xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để ban hành. Đây sẽ là cơ sở cho các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thực hiện đúng theo quy định pháp luật về giá. |
Đơn cử như ở TX.Long Khánh có 2 tổ chức hành nghề công chứng lại nằm ngay trung tâm thị xã. Do vậy, việc đi lại của người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, như: Bình Lộc, Suối Tre, Bảo Quang là rất khó khăn. Hay như cả huyện Nhơn Trạch chỉ có một VPCC nằm ngay khu trung tâm hành chính, khi cần giao dịch gì, người dân các xã phải đi lại khá xa, có nơi như xã Phước Khánh cách trung tâm đến 20km.
Đó là chưa kể, khi công chứng tại các VPCC, một số thủ tục vẫn phải quay về UBND cấp xã xác nhận thêm giấy tờ, nhất là biên bản xác minh tình trạng nhà đất. Chị Lê Thị Biển, ở ấp 1, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), cho biết chị có đến VPCC Vĩnh Tân (thị trấn Vĩnh An) để làm thủ tục công chứng về thừa kế. Tại đây, chị được hướng dẫn quay về địa phương xác nhận về thường trú, chứng tử... Theo chị Biển: “Thủ tục như trên là quá rườm rà, khiến tôi phải đi lại nhiều lần. Mỗi lần đi lại đâu có gần, từ nhà tôi đến VPCC mất 5km, lại còn phải nghỉ làm mới đi được. Bây giờ xin nghỉ làm không dễ, lại bị trừ đủ thứ tiền. Hồi trước giao cho địa phương chứng thực, người dân đỡ phải đi xa và đi tới đi lui như thế”.
Vẫn công chứng tại UBND cấp xã Hiện nay, để tạo điều kiện cho người dân ở một số xã vùng sâu, vùng xa, UBND tỉnh vẫn cho phép một số UBND cấp xã thực hiện công chứng các hợp đồng giao dịch dân sự, như: Mã Đà, Phú Lý, Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu); Phú Tân, Phú Hòa, Phú Túc, Túc Trưng, La Ngà (huyện Định Quán); Đắk Lua, Phú Bình, Phú Trung, Núi Tượng, Tà Lài, Nam Cát Tiên, Phú An, Phú Thịnh, Phú Lập, Phú Sơn, Thanh Sơn (huyện Tân Phú); Sông Nhạn, Thừa Đức, Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ); Xuân Bắc, Xuân Thành, Xuân Hưng, Xuân Hòa, Suối Cao (huyện Xuân Lộc). |
Ông Phạm Ngọc Hậu, Trưởng ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom): Giao cho xã những giao dịch đơn giản Từ khi chuyển giao chứng thực các hợp đồng giao dịch dân sự từ UBND xã sang các tổ chức hành nghề công chứng, chúng tôi phải đi xa và đi lại nhiều lần rất bất tiện. Hiện nay cả huyện Trảng Bom có 2 văn phòng công chứng nên người dân nhiều xã phải đi lại xa xôi. Theo tôi, những giao dịch dân sự đơn giản, như: công chứng thủ tục sang tên xe mô tô vẫn để cho UBND cấp xã công chứng để người dân đỡ mất thời gian đi lại. Bà Nguyễn Thị Thanh Yên, Chủ tịch UBND huyện Định Quán: Chấn chỉnh lại hoạt động hành nghề công chứng Quá trình thực hiện việc chuyển giao chứng thực các hợp đồng giao dịch dân sự từ UBND xã sang các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn huyện đang bộc lộ nhiều bất cập khiến người dân bức xúc, như: người dân phải đi xa, đi lại nhiều lần; nhân viên phòng công chứng gây khó dễ... Có trường hợp Phòng Công chứng Định Quán từ chối công chứng nhưng khi người dân đi công chứng ở huyện khác thì được. Do đó, UBND huyện Định Quán cũng đã có kiến nghị UBND tỉnh chấn chỉnh lại hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng để thuận tiện cho người dân khi đến giao dịch. Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh: Lập thêm văn phòng công chứng Theo tôi, hiện việc chuyển giao chứng thực các hợp đồng giao dịch dân sự từ UBND xã sang các tổ chức hành nghề công chứng là cần thiết và đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, các tổ chức hành nghề công chứng là các cơ quan chuyên nghiệp thực hiện các hành vi công chứng, đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, hạn chế rủi ro, sai sót. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện cũng nên xem xét yếu tố thuận tiện cho người dân, như: mở thêm văn phòng công chứng tại mỗi xã; quy định các mức phí cụ thể để thuận lợi cho người dân thực hiện. |
An An