Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo điều kiện để người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn

04:06, 06/06/2013

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 5-6, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình về các dự án: Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật việc làm; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật doanh nghiệp.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 5-6, các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về các dự án: Luật đấu thầu (sửa đổi), Luật việc làm; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật doanh nghiệp.

* Khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật đấu thầu năm 2005 và Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản năm 2009 đã góp phần lập môi trường minh bạch, cạnh tranh cho các hoạt động đấu thầu phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở để chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm cung cấp hàng hóa, dịch vụ, công trình, giúp tiết kiệm nguồn vốn có hạn của nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo các thẩm tra Luật Đấu thầu
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo các thẩm tra Luật Đấu thầu

Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước bộc lộ một số bất cập như: tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong hoạt động đấu thầu chưa đồng đều, còn hạn chế ở một số địa phương; chất lượng, hiệu quả thực hiện một số công việc chuẩn bị cho hoạt động đấu thầu chưa cao; vấn đề quản lý sau đấu thầu chưa được thực hiện thường xuyên và quan tâm đúng mức…

Cơ quan thẩm tra dự án Luật là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ: Việc ban hành Luật đấu thầu (sửa đổi) với vai trò là luật chung quy định về hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các gói thầu, dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước thuộc tất cả các lĩnh vực và các hình thức là cần thiết. Đồng thời, Luật đấu thầu (sửa đổi) được ban hành cũng góp phần xử lý mối quan hệ giữa luật với các luật khác có liên quan về lĩnh vực đấu thầu, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đấu thầu, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Về phạm vi điều chỉnh, dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật hiện hành, bổ sung các hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi thực hiện mua sắm sử dụng nguồn vốn của Nhà nước hiện chưa được điều chỉnh hoặc đã có quy định nhưng ở nhiều luật và văn bản dưới luật.

* Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật việc làm nêu rõ, việc làm là một trong những nhu cầu cơ bản của người lao động để bảo đảm cuộc sống và phát triển toàn diện. Tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm quyền bình đẳng về việc làm cho mọi người lao động là trách nhiệm của mọi quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày báo các thẩm tra Luật Việc làm
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày báo các thẩm tra Luật Việc làm

Theo đó, Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật dạy nghề... và các văn bản hướng dẫn thi hành bước đầu điều chỉnh một số nội dung trong quan hệ xã hội về việc làm. Các quy định này bước đầu đã tạo hành lang pháp lý cho các quan hệ xã hội về việc làm phát triển theo các quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần ổn định việc làm cho 51,69 triệu/52,58 triệu người thuộc lực lượng lao động; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Tuy nhiên, cùng với sự hình thành và phát triển thị trường lao động trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ xã hội về việc làm ngày càng phát triển đa dạng và linh hoạt hơn, chính sách và việc thực hiện chính sách pháp luật về việc làm đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, ngoài ra còn có một số vấn đề mới về việc làm phát sinh cần được pháp luật điều chỉnh.

Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án luật thống nhất cơ bản về sự cần thiết ban hành Luật việc làm như Tờ trình của Chính phủ là nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, đó là “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”. Mặt khác, việc ban hành Luật việc làm sẽ góp phần phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động... Chính sách việc làm tích cực sẽ góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Ủy ban Các vấn đề xã hội cơ bản thống nhất phạm vi điều chỉnh của dự án Luật và đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam trong nước từ đủ 15 tuổi trở lên, đang có việc làm hoặc chưa có việc làm nhưng có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc; người lao động, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có sử dụng lao động.

* Ban hành dự án Luật cần đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật

Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 Luật doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các nội dung như Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật đã nêu. Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện tồn tại 2.916/6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 48,6% tổng số doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại, gây nên rất nhiều hệ lụy kèm theo. Các đại biểu cho rằng, việc để tồn đọng nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục đăng ký lại Giấy phép kinh doanh là nguyên nhân khiến phải sửa luật lần thứ hai cho phù hợp với thực tiễn. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân chính của việc tồn đọng là do ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm của các doanh nghiệp, do các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình, hay chính Quốc hội thông qua dự án Luật chưa thực sự phù hợp với thực tế?

Cũng có đại biểu cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 170 cho thấy những vấn đề xây dựng Luật cần xem xét nghiêm túc và rút kinh nghiệm. Mặt khác, nội dung này đã được sửa đổi, gia hạn năm 2009, nay tiếp tục sửa đổi sẽ không thể hiện được tính tôn nghiêm của pháp luật.

Tiếp thu nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu Quốc hội và nhận trách nhiệm trong việc để tồn đọng quá nhiều doanh nghiệp nước ngoài hết thời hạn đăng ký hoạt động, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cam kết sẽ trực tiếp làm việc với UBND các tỉnh, thành phố, rà soát từng doanh nghiệp để nghiêm túc đánh giá, xử lý kịp thời tình trạng trên....

Thứ năm, ngày 6-6, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường; buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ.

P.V

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích