Như tin đã đưa, sáng 13-6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát đã tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Như tin đã đưa, sáng 13-6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát đã tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Thông qua trả lời chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy tiêu thụ, hiện đại hóa nông nghiệp; giải pháp hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn, bảo vệ quyền lợi cho người nông dân; xây dựng chương trình nông thôn mới; xây dựng thương hiệu quốc gia; quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; tái cơ cấu các nông, lâm trường quốc doanh… Trong quá trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội |
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời cụ thể, thấu đáo, làm rõ thêm tình hình và nếu làm tốt các giải pháp đã đề ra, sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn trong thời gian tới.
Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Từ nay đến 2015, phải tạo chuyển biến tích cực hơn nữa trên mặt trận này, thiết thực nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo. Từ 2016-2020, xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại trong điều kiện của một đất nước đã cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là đòi hỏi của đồng bào cử tri cả nước”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Tới đây, ngành NN-PTNT cần làm tốt công tác quy hoạch; xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn, nắm bắt khoa học, kinh nghiệm quốc tế; công nghiệp hóa phương thức sản xuất, đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Đồng thời, ngành quan tâm giải quyết các vấn đề liên quan từ cây, con giống, sản xuất, dự trữ, lưu thông một cách tích cực, chủ động hơn; có quy trình quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông, phân phối một cách chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tránh thiệt hại cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phát huy những sản phẩm ưu thế, xây dựng thương hiệu; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Mặt khác, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần kiên quyết chống tình trạng phá rừng, lâm tặc, cháy rừng; tăng cường bảo vệ rừng và trồng rừng; quy hoạch thủy điện, có chính sách đặc thù cho người dân vùng thủy điện; hoàn thành quy hoạch phát triển đất nông, lâm trường, chính sách di dân, tái định cư. Cùng đó, sớm sơ kết, đánh giá để đẩy nhanh, mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung chăm lo, vận động phong trào, tập trung vào các tiêu chí quan trọng nhất để nông thôn, nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh, đảm bảo đời sống của nông dân.
P.V