Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thảo luận về 3 dự án Luật

05:06, 01/06/2013

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 31-5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về 3 dự án: Luật hòa giải cơ sở, Luật tiếp công dân, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, ngày 31-5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về 3 dự án: Luật hòa giải cơ sở, Luật tiếp công dân, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

* Tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước

 Chiều 31-5, thảo luận tại tổ về Dự án Luật tiếp công dân, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật tiếp công dân với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn cho rằng, một số quy định của dự thảo Luật tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới một cách toàn diện về tổ chức, hoạt động tiếp công dân.

 ĐBQH tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống phát biểu thảo luận tổ chiều 31-5
ĐBQH tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống phát biểu thảo luận tổ chiều 31-5

Theo các đại biểu, hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, phục vụ cho việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Do đó, ban soạn thảo cần cân nhắc thêm một số nội dung liên quan đến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gắn với trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác.

Về phạm vi đối tượng áp dụng, các đại biểu đề nghị chỉ nên giới hạn quy định về hoạt động tiếp công dân của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là những cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Một số đại biểu khác thì đề nghị dự thảo Luật chỉ cần giới hạn quy định về việc tiếp công dân của các cơ quan nhà nước hoặc chỉ đối với các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm trực tiếp điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, gắn với quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Về trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chủ yếu mới chỉ làm rõ mô hình tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước mà chưa xác định cụ thể việc tiếp dân của các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.... Cách thức tổ chức tiếp công dân của các tổ chức, đơn vị khác cũng chưa được đề cập.

* Phát triển một nền sản xuất nông nghiệp an toàn

Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật như Tờ trình của Chính phủ.

Góp ý về trách nhiệm quản lý nhà nước trong bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Điều 9), một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trong quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; trách nhiệm phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ với Bộ NN-PTNT.

Về thẩm quyền công bố dịch, nhiều đại biểu thống nhất như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là việc quy định thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương để huy động kịp thời nguồn lực trong việc chống dịch.

* Tăng cường xã hội hóa công tác hòa giải cơ sở

Trước đó, vào buổi sáng, tham gia thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật hòa giải cơ sở (sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp này), đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với quan điểm của Chính phủ và đề nghị dự án Luật cần nhấn mạnh quan điểm tăng cường xã hội hóa và chú trọng yếu tố tự nguyện, tự quản, tự quyết của nhân dân trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; bổ sung quy định để phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tính nhân văn trong cộng đồng dân cư.

Nhiều đại biểu đề nghị dự án Luật cần phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong hoạt động hòa giải cơ sở. Bởi, thực tế nhiều vụ tranh chấp được thực hiện thành công không cần đến các hòa giải viên ở các tổ hòa giải, mà do các tổ chức thành viên của MTTQ đứng ra giải quyết hoặc do những người có uy tín trong cộng đồng dân cư dàn xếp.

Đối với hòa giải viên, nhiều đại biểu cho rằng: ngoài đạo đức, uy tín, khả năng thuyết phục, cần có hiểu biết pháp luật để có thể giải thích, thuyết phục các bên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Một số đại biểu thì lại băn khoăn về tính khả thi của quy định tiêu chuẩn hòa giải viên, vì không phải nơi nào cũng có thể tìm đủ số người theo tiêu chuẩn “có hiểu biết pháp luật” để tham gia làm hòa giải viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo…

Về phương án bầu hòa giải viên, các đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần đơn giản hóa về quy trình, thủ tục bầu hòa giải viên; sửa đổi các quy định về tỷ lệ đại diện số hộ gia đình tham gia bầu, tỷ lệ ý kiến đồng ý khi bầu cho phù hợp với thực tế. Đây cũng là việc làm nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở và người dân được trực tiếp lựa chọn người có uy tín làm hòa giải viên ở cơ sở, cộng đồng; nâng cao ý thức, trách nhiệm và địa vị pháp lý của hòa giải viên. Việc bầu hòa giải viên thể hiện quan điểm không hành chính hóa và tăng cường xã hội hóa đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở phù hợp với tính chất tự nguyện, tự quyết và tự quản của nhân dân đối với hoạt động này.

Đối với phạm vi hòa giải, có đại biểu cho rằng, Luật chỉ nên quy định những vụ, việc không được hòa giải ở cơ sở là đủ. Vì thực tế, các vụ, việc hòa giải ở cơ sở rất đa dạng, linh hoạt, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nếu liệt kê các vụ, việc được hòa giải sẽ khó bao quát được hết các vấn đề phát sinh cần được hòa giải tại cơ sở.

 Thứ hai, ngày 3-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.

P.V (tổng hợp)

Tin xem nhiều