Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi niềm phóng viên thường trú

10:06, 20/06/2013

Những năm gần đây, sự tăng nhanh về số lượng phóng viên (PV) thường trú, PV phụ trách địa bàn của các tờ báo lớn tại Đồng Nai đã góp phần tạo nên không khí báo chí sôi nổi trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, sự tăng nhanh về số lượng phóng viên (PV) thường trú, PV phụ trách địa bàn của các tờ báo lớn tại Đồng Nai đã góp phần tạo nên không khí báo chí sôi nổi trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên thường trú tác nghiệp tại Công an tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Minh Hậu)
Phóng viên thường trú tác nghiệp tại Công an tỉnh Đồng Nai (Ảnh: Minh Hậu)

Đến nay ở Đồng Nai đã có 2 văn phòng thường trú Đông Nam bộ của báo Thanh Niên, báo Tuổi trẻ và văn phòng đại diện của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Ngoài ra còn có hàng chục tờ báo khác của Trung ương và TP. Hồ Chí Minh cũng đã cử PV phụ trách địa bàn như: Nhân dân, Tiền Phong, Lao động, Người Lao động, Pháp luật... Sự tăng nhanh về số lượng PV thường trú cho thấy, Ban biên tập các báo dành sự quan tâm đặc biệt cho Đồng Nai.

Nhanh nhạy, chính xác

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Đồng Nai Đỗ Trung Tiến cho biết, hàng năm, trên các tờ báo lớn của Trung ương và TP.Hồ Chí Minh có cả ngàn tin, bài tại Đồng Nai. Trong đó có nhiều tin, bài tốt có giá trị tuyên truyền cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; nhiều tin, bài có tính chất phát hiện, có cách thể hiện mới... Hoạt động của các PV thường trú đã góp phần cho hoạt động báo chí ở Đồng Nai sôi nổi hơn, tạo không khí thi đua giữa các báo, trong đó có báo chí địa phương, để có những sản phẩm báo chí tốt, nhanh nhạy, kịp thời.

Đó là yêu cầu của hầu hết các báo đối với PV; tuy nhiên, đối với PV thường trú, PV phụ trách địa bàn thì đây là yêu cầu cấp thiết. PV Sơn Định, báo Tuổi Trẻ chia sẻ, Đồng Nai là một trong các tỉnh “nóng” nhất của vùng Đông Nam bộ với cường độ thông tin đa dạng, buộc một PV phụ trách địa bàn phải theo dõi, nắm bắt kịp thời và tác nghiệp thế nào để cung cấp đến bạn đọc thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Điều này đòi hỏi PV khi tiếp cận với thông tin phải liên hệ với người phát ngôn ở cơ quan công quyền, người trong cuộc để làm sao thông tin đến bạn đọc trung thực, đa chiều về sự việc đã và đang xảy ra.

PV Mạnh Thắng, báo Tiền Phong cho hay, PV thường trú hay phụ trách địa bàn đều phải theo dõi tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn. Trong khi địa bàn Đồng Nai rộng lớn, tính cạnh tranh thông tin giữa các báo cao; do đó, đòi hỏi PV luôn phải nhạy bén, tích cực trong công việc để luôn có những thông tin kịp thời, chính xác.

PV Hà Anh Chiến, báo Lao Động tâm sự, là một phóng viên trẻ, lại được giao phụ trách địa bàn thông tin sôi động như Đồng Nai là một cơ hội nhưng cũng là thách thức. Vì vậy, bản thân anh đã luôn phải tìm tòi, học hỏi từ các đồng nghiệp; luôn tìm cách tiếp cận mới và không ngừng đổi mới cách thức thể hiện. "Tôi rất quan tâm đến báo chí của tỉnh và thường xuyên theo dõi thông tin trên báo, đài địa phương. Thông tin của báo chí địa phương rất đa dạng, phong phú và là một nguồn tin đáng tin cậy của tôi khi tác nghiệp", Chiến chia sẻ.

Phóng viên các báo đang phỏng vấn nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ao Văn Thinh sau khi xảy ra vụ việc Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải. (Ảnh: Sỹ Tuyên)
Phóng viên các báo đang phỏng vấn nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ao Văn Thinh sau khi xảy ra vụ việc Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải. (Ảnh: Sỹ Tuyên)

Quy chế phát ngôn: dễ mà khó...

Theo một số PV thường trú, PV phụ trách địa bàn, Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện quy chế người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí. Cái lợi là tất cả thông tin đều gom về một đầu mối, khi có sự kiện, báo chí chỉ cần tìm đến người phát ngôn để xác nhận thông tin. Qua đó cho thấy tính chủ động trong thông tin, tạo sự gắn kết và hợp tác giữa cơ quan chức năng với báo chí, để khi những sự kiện xảy ra, thông tin được đăng tải sẽ là thông tin chính xác và khách quan nhất.

Tuy nhiên,quy định này nhiều khi cũng gây khó khăn cho hoạt động của báo giới. PV Sỹ Tuyên, TTXVN cho biết, khi một sự kiện xảy ra, đặc biệt là những sự kiện đột xuất, vấn đề "nóng", thông tin của báo chí cần nhanh. Lúc đó, nếu như cơ quan chức năng có những đơn vị trực tiếp tham gia hay nắm vấn đề thì có thể cung cấp ngay cho báo chí chứ không cần phải chờ đến người phát ngôn. Hay những vấn đề xảy ra tại cơ sở, khi PV tiếp cận, thường thì cơ quan chức năng ở cơ sở lại yêu cầu phải xin phép cấp trên mới cung cấp cho báo chí. Việc chạy lòng vòng về trách nhiệm phát ngôn như vậy sẽ làm mất thời gian, gây khó khăn cho công tác nghiệp vụ và làm nguội tính thời sự của thông tin.

Ngọc Thư

:

 

 

Tin xem nhiều