Báo Đồng Nai điện tử
En

Miền Nam mong Bác...

09:06, 24/06/2013

Tại 22 di tích lịch sử, văn hóa thuộc 6 tỉnh, thành Nam bộ, đâu đâu cũng in đậm dấu ấn về tấm lòng của Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam cũng như tình cảm sâu nặng của đồng bào đối với Bác...

Đoàn công tác về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vừa có chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Tại 22 di tích lịch sử, văn hóa thuộc 6 tỉnh, thành mà đoàn đã đi qua, đâu đâu cũng in đậm dấu ấn về tấm lòng của Bác Hồ dành cho đồng bào miền Nam cũng như tình cảm sâu nặng của đồng bào đối với Bác.

Ở TX.Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), cả đoàn đã lặng đi trước ngôi đền thờ Hồ Chủ Tịch tại ấp Vinh Hội, xã Long Đức. Đền thờ hết sức giản dị, chỉ rộng khoảng 16m2, vách tôn, mái lá, bên trong thờ bức ảnh Bác vẽ bằng tay, được người dân chung tay góp công xây dựng từ năm 1970, một năm sau khi hay tin Bác mất.

* Sống mãi trong trái tim người dân Nam bộ

Đó cũng là tình cảm người dân xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) dành cho Bác. Ông Nguyễn Văn Khoa, người tham gia xây dựng và bảo vệ đền thờ Bác tại xã Châu Thới từ năm 1972, cho biết đền thờ Bác ở đây được người dân xây dựng rất sớm, ngày 3-9-1969, khi nghe tin Bác mất thông báo trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng như ở Vinh Hội, đền thờ được xây dựng rất giản dị, nhưng đã trở thành niềm tự hào, biểu tượng cho tấm lòng kính yêu của người dân Bạc Liêu đối với Bác. Người dân Châu Thới đã hy sinh xương máu một lòng bảo vệ niềm tin của mình, 2 lần đền thờ bị giặc đốt phá đều được xây dựng lại đàng hoàng, to đẹp hơn.

Đoàn tham quan mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Thanh Thúy
Đoàn tham quan mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Thanh Thúy

Theo thống kê tại Bảo tàng Cần Thơ, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, miền Tây Nam bộ có khoảng 30 đền thờ Bác Hồ như thế. Mỗi đền thờ Bác được dựng ở vùng đất phương Nam đều là một huyền thoại diệu kỳ, một câu chuyện cảm động về lòng kính yêu Bác Hồ của người dân Nam bộ.

* Trao đổi nhiều kinh nghiệm hay

Một trong những điểm nhấn quan trọng của chuyến công tác, đó là đoàn đã có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ. Đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh, cho biết xuất phát từ mô hình đưa ảnh Bác về treo tại các gia đình cựu chiến binh để giáo dục lòng yêu nước và sống có trách nhiệm, hiện toàn tỉnh đang nhân rộng mô hình này, nhất là tại các cơ sở thờ tự, tôn giáo.    

Chia sẻ với các địa phương về kinh nghiệm của Đồng Nai trong việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới cho rằng: Học và làm theo Bác đã có từ bao lâu nay, ngay cả trong giai đoạn kháng chiến ác liệt, gian khổ. Việc người dân xây dựng đền thờ Bác, ra sức bảo vệ, chấp nhận hy sinh đã chứng tỏ giá trị Hồ Chí Minh có sức thu hút, lan tỏa rất lớn, rất thiêng liêng trong lòng dân tộc. Việc học tập và làm theo gương Bác là học đạo nghĩa, không học trong chữ nghĩa, vì vậy không quan trọng mô hình mới hay cũ, mà là sự thiết thực, chất lượng. Cái mới hiện nay chính là gắn kết thực hiện Chỉ thị 03 với nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương.

Ở Cần Thơ, khi đồng chí Trần Việt Trường, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ giới thiệu về mô hình kiểm tra nhận thức lý luận chính trị của cán bộ, công chức, đảng viên trong việc học tập tấm gương của Bác tại các tổ chức cơ sở Đảng, các thành viên trong đoàn đã rất quan tâm, tìm hiểu cặn kẽ, thậm chí... xin cả bộ đề thi để nghiên cứu. Đồng chí Lê Minh Trung, Trưởng ban Tuyên giáo Đồng Tháp thì rất hào hứng khi chia sẻ với đoàn về việc sử dụng hệ thống trực tuyến để truyền đạt Chỉ thị 03, tạo hiệu quả nhanh, thuận tiện, chính xác, chất lượng cao hơn.

Qua trao đổi, các địa phương đã chia sẻ một số vấn đề lúng túng trong việc thực hiện Chỉ thị 03 hiện nay, như: chưa có mô hình mới, quanh đi quẩn lại vẫn là các mô hình từ thiện nhân đạo, cải cách hành chính; chưa tìm ra giải pháp “triệt” nạn phô trương, hình thức; gương người tốt, việc tốt bắt đầu khó tuyên truyền trên báo, đài; một số hoạt động đi vào lối mòn... “Học tập và làm theo gương Bác là thay đổi, chuyển biến trong nhận thức, thói quen, nên hiệu quả sẽ không tức thì như chúng ta muốn, nhưng phải làm sao để chứng minh với đồng bào về sự chuyển biến, nhất là trong vấn đề nêu gương của cấp lãnh đạo. Đó là cái khó hiện nay” - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Bình Tân bày tỏ.

Thanh Thúy

 

 

 

Tin xem nhiều