Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm mới cơ chế một cửa còn chậm

10:06, 30/06/2013

Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND cấp huyện đã góp phần giảm được tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan để giải quyết công việc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn có những hạn chế cần được khắc phục.

Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND cấp huyện đã góp phần giảm được tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều cơ quan để giải quyết công việc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn có những hạn chế cần được khắc phục.

Điển hình là việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai còn trễ hẹn, người dân còn phiền hà, mất thời gian đi lại.

* Chưa đạt chuẩn!

Ông Nguyễn Phùng Hiệp, Trưởng phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ, cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trao đổi thông tin tại các đơn vị hiện còn ở mức thấp, chủ yếu được thực hiện bằng thủ công thông qua văn bản giấy, gửi tay hoặc qua bưu điện, fax. Đa số các huyện chỉ sử dụng các phần mềm văn phòng của Microsoft để quản lý, lưu trữ các văn bản, hồ sơ, tạo lập thống kê, báo cáo nên chưa có sự liên thông, kết nối giữa bộ phận một cửa với các cơ quan khác.

Sắp tới, chỗ tiếp dân sẽ rộng rãi,  trang trọng hơn. Trong ảnh: Cán bộ - công chức bộ phận một cửa UBND huyện Vĩnh Cửu tiếp dân.
Sắp tới, chỗ tiếp dân sẽ rộng rãi, trang trọng hơn. Trong ảnh: Cán bộ - công chức bộ phận một cửa UBND huyện Vĩnh Cửu tiếp dân.

Ngoài ra, trụ sở nơi tiếp nhận và trả kết quả (gọi tắt là bộ phận một cửa) của UBND cấp huyện ở nhiều nơi còn chật hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ người dân; trang thiết bị còn thiếu thốn, lạc hậu. Toàn tỉnh hiện có 6/11 bộ phận một cửa chưa đạt diện tích theo quy định là 80m2, gồm: Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Thống Nhất và TX.Long Khánh.

* Cải cách theo hướng hiện đại hóa

 Để khắc phục tình trạng này, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm 2013, cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại được triển khai ở TP.Biên Hòa, Trảng Bom và Nhơn Trạch. Đến năm 2014 sẽ triển khai thực hiện đồng loạt ở các huyện, thị xã còn lại. Theo Sở Nội vụ, trọng tâm của giải pháp này là ứng dụng phần mềm tin học, kết hợp nâng cao trình độ kỹ năng của cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị cho bộ phận một cửa, một cửa liên thông ở UBND cấp huyện.

Theo đó, trụ sở, nơi làm việc của bộ phận một cửa cần đảm bảo trang nghiêm, thông thoáng, tiện lợi cho người dân, có diện tích tối thiểu từ 120m2 trở lên; dành tối thiểu 50% diện tích để bố trí ghế ngồi chờ. Hệ thống máy vi tính, máy lấy số xếp hàng tự động, máy camera quan sát, màn hình cảm ứng... được đặt ở các vị trí thuận tiện cho người dân đến tìm hiểu. Ngoài các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, như: đất đai, đăng ký kinh doanh, tư pháp, môi trường... tại bộ phận một cửa sẽ tiếp nhận hồ sơ ở các lĩnh vực thuộc các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương, như: tính thuế (chi cục thuế), thu các khoản thu nghĩa vụ tài chính (kho bạc)...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết, hiện nay nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại ở UBND cấp huyện. Đến nay, Đồng Nai mới triển khai thực hiện là chậm. Do đó, các sở, ngành, địa phương phải gấp rút triển khai thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra đảm bảo chỗ tiếp dân phải trang trọng, lịch sự; thay đổi phong cách làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn hóa, hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.

Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Nguyễn Minh Hùng cho biết, phần mềm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại có giao diện đơn giản, dễ sử dụng, được thiết kế theo hướng mở dễ dàng điều chỉnh khi quy định thủ tục hành chính có thay đổi. Phần mềm này không chỉ là một hệ thống các ứng dụng để quản lý, xử lý hồ sơ, mà còn giúp người dân có thể tra cứu kết quả hoặc tiến độ giải quyết hồ sơ của mình qua màn hình cảm ứng; trên cổng thông tin điện tử tỉnh; hệ thống tin nhắn di động SMS. Về phía lãnh đạo cũng có thể kiểm tra ngay hồ sơ được giải quyết đúng hạn hay chưa, hiện ách tắc ở bộ phận nào để kịp thời chỉ đạo giải quyết.

Đến nay, Sở Thông tin - truyền thông đã lắp đặt trang thiết bị phần cứng và đào tạo sử dụng phần mềm cho 4 huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất và Xuân Lộc.

 Ngọc Thư

 

 

Tin xem nhiều