Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 4-6, Quốc hội đã dành trọn cả ngày cho việc thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992...
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 4-6, Quốc hội đã dành trọn cả ngày cho việc thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992...
Bên cạnh việc tiếp tục tán thành giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng; ghi nhận các quyền con người; quy định về tính chất và các thành phần kinh tế; tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương..., như đã thảo luận vào ngày hôm qua 3-6, trong phiên thảo luận cả ngày hôm nay 4-6, các đại biểu Quốc hội còn quan tâm đến nhiều vấn đề quan trọng khác...
* Thành lập Hội đồng bảo hiến
Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là một quan điểm mới trong Dự thảo sửa đổi lần này. Những ý kiến đồng tình, thì cho rằng, quy định về Hội đồng Hiến pháp không mâu thuẫn với quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đồng thời thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Có ý kiến đề nghị cần thành lập cơ quan bảo hiến độc lập (Tòa án Hiến pháp) có chức năng phán quyết về các vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội |
Các đại biểu đề nghị, cần đặt tên thiết chế này là Hội đồng bảo hiến (Hội đồng bảo vệ Hiến pháp) và đề nghị Chủ tịch nước đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng bảo hiến để thay mặt Hội đồng kiến nghị với Quốc hội xem xét lại những điều luật và yêu cầu các cơ quan hủy bỏ những văn bản vi hiến. Thậm chí, có đại biểu còn đề nghị tăng thêm quyền hạn cho Hội đồng này với các thẩm quyền: đình chỉ, hủy bỏ văn bản vi hiến của các cơ quan Nhà nước khi đã đề nghị hủy bỏ mà không được thực thi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến không đồng tình với việc thành lập Hội đồng Hiến pháp. Bởi vì, việc bổ sung thiết chế mới này khi chưa rõ vị trí, tổ chức, nguyên tắc hoạt động, cơ chế phối hợp với các cơ quan khác, dễ dẫn đến sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, cồng kềnh bộ máy, không đạt hiệu quả.
* Bổ sung chức năng kiểm sát hoạt động tuân theo pháp luật của Viện Kiểm sát
Thảo luận về nội dung hoàn thiện cơ quan tư pháp, nhiều ý kiến đề xuất cần đưa vào dự thảo quy định Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện quyền công tố và những việc khác theo luật định.Việc bổ sung như vậy sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Viện Kiểm sát thực hiện những việc khác khi được Quốc hội xét thấy cần thiết, giao nhiệm vụ. Từ đó, quy định cụ thể trong luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và những luật khác có liên quan như kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật, thống kê tội phạm…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu Quốc hội trong giờ giải lao. |
Các đại biểu đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần khẳng định: Tòa án, Viện Kiểm sát là cơ quan tư pháp; hoặc khẳng định là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và quy định chức năng nhiệm vụ chung của hai cơ quan này. Ngoài việc kiểm sát các hoạt động tư pháp, giữ quyền công tố, cần bổ sung thêm thẩm quyền kiểm soát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước.
***
Tổng kết hai ngày thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đã có 86 đại biểu phát biểu tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc đã tổ chức triển khai việc lấy ý kiến nhân dân một cách khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp và đúng tiến độ. Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thu hút và nhận được sự quan tâm sâu sắc, đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về Hiến pháp, pháp luật của nhân dân.
Phó chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã quan tâm, góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; khẳng định ý kiến góp ý của cử tri đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tiếp thu, tổng hợp một cách khoa học để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 lần này. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng hoan nghênh và tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian tới với mong muốn có bản dự thảo đầy đủ nhất, hoàn thiện nhất, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Thứ tư, ngày 5-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội. Buổi chiều, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật việc làm, Luật đấu thầu (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp.
P.V (tổng hợp)