Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 6-6, các đại biểu đã làm việc tại tổ, cho ý kiến về hai dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Nâng cao trách nhiệm đối với công tác phòng, chống thiên tai
Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều ngày 6-6, các đại biểu đã làm việc tại tổ, cho ý kiến về hai dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
* Cần giải quyết triệt để tình trạng thông thầu
Các đại biểu cho rằng, sau gần 7 năm thi hành Luật Đấu thầu, các hoạt động đấu thầu mua sắm sử dụng vốn nhà nước đã dần đi vào nề nếp, song đã xảy ra tình trạng thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn nhà nước.
Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) |
Vấn đề thông thầu, “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu thầu cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Các đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), Trần Ngọc Vinh, Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Phan Văn Quý (Nghệ An) đề nghị để giải quyết triệt để bài toán thông thầu giữa chủ đầu tư và nhà thầu, Luật nên thiết kế các điều khoản hạn chế việc lách luật. Các đại biểu cho rằng, các nhà thầu dù trúng thầu hay không trúng cũng được “hưởng lộc” từ nhà thầu chính khi làm “quân xanh” và hệ quả là tài sản công thất thoát, công trình chất lượng kém, tiến độ không đảm bảo, vì vậy Luật phải quy định hết sức cụ thể về các tiêu chuẩn và năng lực kinh nghiệm cũng như năng lực thiết bị máy móc, chuyên môn của nhà thầu.
Các đại biểu cũng đóng góp vào một số quy định liên quan đến vấn đề vốn nhà nước, phân cấp trong đấu thầu, chỉ định thầu, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hợp đồng với nhà thầu, nhà đầu tư... Các đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị không nên mở rộng chỉ định thầu, vì cho rằng việc chỉ định thầu chỉ áp dụng trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay, trường hợp do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài và một số điều kiện khác thì thực hiện như quy định của Luật Đấu thầu hiện hành để tránh tình trạng xin - cho .
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, hạn mức chỉ định thầu quá cao dẫn đến một số chủ đầu tư chia nhỏ để chỉ định thầu với số lượng gói thầu rất lớn. Để khắc phục tình trạng này, cần giao Chính phủ ban hành hạn mức chỉ định thầu hàng năm sẽ phù hợp và linh động theo chế độ trượt giá.
Đề cập đến quy định mốc “...500 tỷ đồng vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án...” thể hiện tại Điều 1, khoản 1, điểm a, Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng Luật dựa trên mức tuyệt đối bằng tiền rất dễ lạc hậu theo thời gian do sự trượt giá của đồng tiền Việt Nam, dẫn đến tính ổn định của Luật không cao. Đại biểu kiến nghị cân nhắc lại con số này và có sự đánh giá một cách khoa học vì sao chọn 500 tỷ đồng làm căn cứ và khẳng định không nên đưa ra con số tuyệt đối mà nên quy định theo tính nguyên tắc, giao cho Chính phủ quy định mức giá trị tùy từng thời kỳ cho phù hợp.
*Công khai, minh bạch về tài chính để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả
Phân tích hàng loạt những kiểu lãng phí trong các công trình xây dựng, trong các lễ hội, các hoạt động ma chay, cưới xin, các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Chu Sơn Hà, Bùi Thị An (Hà Nội), Lê Thanh Vân, Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)... đều đồng tình với quan điểm cần phải sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm chống lãng phí là vấn đề nan giải, có Luật rồi nhưng hiệu quả thực hiện không cao vì không cụ thể - đại biểu Trần Ngọc Vinh khẳng định.
Các đại biểu cũng nhìn nhận nước ta còn nghèo nhưng tình trạng lãng phí, không tiết kiệm vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều người. Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc chậm ban hành thông tư hướng dẫn sau khi luật đã ban hành và có hiệu lực cũng là điều gây lãng phí rất lớn. Theo đại biểu, có thể tiết kiệm được ngay nếu xây dựng chế độ định mức và ban hành chính sách kịp thời. Đại biểu đề nghị, việc thực hành tiết kiệm phải được thực hiện ngay từ khâu quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và thiết bị làm việc của cơ quan. Do vậy, Luật cần quy định rõ việc công khai, minh bạch tình hình tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều đại biểu ở tổ số 10 (gồm 3 tỉnh: Đồng Nai, Phú Thọ, Quảng Ngãi) còn cho rằng, Dự thảo Luật cần xác định rõ hành vi vi phạm, chế tài xử lý các hành vi gây lãng phí để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí đang là vấn nạn hiện nay. Bởi, theo các đại biểu, lãng phí thực chất là một thứ tham nhũng, làm mất tiền của dân, vì vậy cần phải đưa vào luật hình sự để có chế tài xử lý.
Xót xa khi nguồn tài nguyên bị khai thác bán thô, bị sử dụng lãng phí và đang dần cạn kiệt, nhiều tài nguyên không thể tái tạo được, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Luật phải điều chỉnh cả vấn đề nguồn tài nguyên.
* Nâng cao trách nhiệm đối với công tác phòng, chống thiên tai
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày dự thảo Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai |
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo luận về dự thảo Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Về cơ bản, các đại biểu tán thành dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý. Tuy nhiên, khi thảo luận các vấn đề liên quan đến tài chính cho hoạt động phòng, chống thiên tai, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ về nguồn tài chính hàng năm và việc phân bổ nguồn ngân sách cho hoạt động phòng, chống thiên tai từ Trung ương đến địa phương. Vì, theo các đại biểu, ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong phòng, chống thiên tai và đề xuất, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước nên bổ sung nguồn bảo hiểm và tái bảo hiểm, nhằm hỗ trợ xử lý tổn thất sau thiên tai.
Đối với việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai, đa số đều đồng tình, nhưng phải quy định rõ hơn phương thức xác định, mức đóng góp của từng loại đối tượng, các đối tượng được miễn, giảm đóng góp; vấn đề quản lý, sử dụng Quỹ. Đồng thời, đề nghị nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai chỉ nên ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, ví có như vậy việc sử dụng tránh dàn trải, bảo đảm hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần công khai minh bạch việc thu, chi Quỹ để tránh thất thoát, thiếu hiệu quả và khiến người dân cảm thấy không tin tưởng.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã cho ý kiến đối với các vấn đề cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước; thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai; cơ quan chỉ đạo, cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai; hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai... Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ trì việc dự báo, cảnh báo thiên tai bởi thực tiễn cho thấy, nhiều dự báo thiếu chính xác, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Thứ sáu, ngày 7-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012. Phiên thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.
P.V (tổng hợp)