Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội bầu ông Nguyễn Hữu Vạn làm Tổng Kiểm toán Nhà nước

07:05, 25/05/2013

Chiều 24-5, sau khi thảo luận tại tổ về nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Nguyễn Hữu Vạn.

Chiều 24-5, sau khi thảo luận tại tổ về nhân sự Tổng Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu bầu chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Nguyễn Hữu Vạn.

Tân Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn
Tân Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn

Theo kết quả kiểm phiếu, trong số 461 phiếu bầu, có 343 đại biểu tán thành (chiếm 68,87%), số đại biểu không tán thành 118 đại biểu, chiếm 23,69%. Như vậy, ông Nguyễn Hữu Vạn, Tiến sĩ kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đã được Quốc hội chính thức bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội và thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú.

Về cơ bản, các đại biểu tán thành với những đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm qua đến nay và dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội.

Đa số đại biểu thống nhất với đề nghị của Chính phủ lùi thời hạn trình Quốc hội dự án luật Luật Hải quan (sửa đổi), dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; điều chỉnh dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội thành dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và chuyển sang Chương trình năm 2014, đồng thời, lùi thời hạn trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sang năm 2014 để xem xét cùng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); lùi dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) sang năm 2014, sau khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được thông qua.

Các đại biểu cũng thống nhất chưa đưa dự án Luật Hộ tịch vào Chương trình, đợi đến khi thông qua xong Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 sẽ xem xét, bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu thì số lượng dự án luật, pháp lệnh được đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 là quá nhiều so với khả năng chuẩn bị, cũng như quỹ thời gian của các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội và khả năng xem xét, thông qua của Quốc hội.

Để bảo đảm tính khả thi của Chương trình, tránh bị điều chỉnh quá nhiều, thì việc xem xét, quyết định đưa các dự án vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần phải cân nhắc một cách thận trọng, xác định rõ sự cần thiết, phạm vi, đối tượng điều chỉnh và những nội dung cơ bản của dự án, các điều kiện cần thiết bảo đảm việc soạn thảo, cho ý kiến và trình xem xét, thông qua.

Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 cần phải cân nhắc xem xét thêm, quỹ thời gian có hạn, cần lựa chọn ưu tiên số 1 cho những dự án luật phục vụ sau khi sửa đổi Hiến pháp, tiếp đến là ưu tiên đến các dự án luật liên quan đến phục vụ tái cơ cấu.

ĐBQH tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc đang phát biểu thảo luận tại tổ
ĐBQH tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc đang phát biểu thảo luận tại tổ

[links(left)]Tại tổ đại biểu số 10 gồm ba tỉnh: Đồng Nai, Phú Thọ và Quảng Ngãi đa số ý kiến của các đại biểu đều nhất trí về dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2014.  Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đề nghị bổ sung thêm luật hội họp, biểu tình và trưng cầu dân ý. Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Luật pháp thời gian qua vẫn chưa nghiêm, chủ yếu tập trung vào việc xử lý hành chính”.

Về Luật Cư trú (sửa đổi), các đại biểu khẳng định: Việc điều chỉnh Luật Cư trú phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân, tuy nhiên cũng cần phải tạo được hành lang pháp lý để thuận lợi cho việc quản lý nhà nước. Về cơ bản, các đại biểu đồng tình với kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định về hành vi bị nghiêm cấm; về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; về thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; về đăng ký tạm trú; về lưu trú và thông báo lưu trú nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật cư trú hiện hành và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, nhất là ở khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về quy định trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân và được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Các đại biểu cho rằng, việc xác nhận về diện tích nhà ở và số lượng người đang cư trú tại nơi ở đó sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh), thì việc quy định thời hạn đăng ký tạm trú là không cần thiết, luật hiện hành không xác định thời hạn tạm trú tối đa 24 tháng là hết hạn. Việc cấp lại đăng ký tạm trú sẽ gây nhiều tốn kém về chi phí và thủ tục hành chính rườm rà phức tạp, nên giữ nguyên là không quy định hạn đăng ký tạm trú, mà bổ sung nội dung mỗi năm người đăng ký tạm trú phải đến thông báo với công an phường.

Thứ bảy, ngày 25-5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp; việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam-Lào và thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011. Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi).

PV (tổng hợp)

Tin xem nhiều