Báo Đồng Nai điện tử
En

Tình hình kinh tế-xã hội đã có chuyển biến tích cực

04:05, 20/05/2013

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII, sáng 20-5, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày khái quát một số nội dung chủ yếu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2012...

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII, sáng 20-5, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày khái quát một số nội dung chủ yếu về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2013 và những trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong các tháng tiếp theo để phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013 đã được Quốc hội thông qua.

Báo cáo của Chính phủ nhận định: “Trong tổng số 15 chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, có thêm chỉ tiêu giảm nghèo vượt kế hoạch đề ra. Như vậy, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu không đạt. So với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn và 6 chỉ tiêu không đổi."

Toàn cảnh Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII
Toàn cảnh Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII

[links(left)]Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù kinh tế-xã hội 4 tháng đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu, nhưng còn chậm, chưa vững chắc và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Dự báo, kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, phục hồi chậm và chưa ổn định. Tình hình kinh tế-xã hội trong nước vẫn còn nhiều khó khăn.

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra và xuất phát từ thực tiễn tình hình những tháng gần đây, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế;

Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí và tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Chính phủ đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí, đồng bào cả nước tăng cường giám sát, phối hợp hành động, nỗ lực phấn đấu tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác để quyết tâm hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Tán thành với Báo cáo của Chính phủ, đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, tuy nhiên, Báo cáo Thẩm tra cũng cho rằng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là 5,2% và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của Quốc hội tăng từ 6-6,5%.

Tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% trong khi dư nợ tín dụng cả năm chỉ tăng 8,91%, nối tiếp đà sụt giảm mạnh dư nợ tín dụng từ tăng 31% năm 2010 xuống còn mức tăng 14,41% năm 2011. Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng ; tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011…

Về tình hình 4 tháng đầu năm 2013, cơ quan thẩm tra nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2013 tăng 4,89% có cao hơn quý I/2012 (tăng 4,75%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quý 1/2011 (tăng 5,53%) và quý 1/2010 (tăng 5,84%).

Từ tình hình trên Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Theo đó, chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XIII, tính đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Nhìn chung, cử tri cho rằng, những tháng đầu năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế trong nước, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, nước biển xâm mặn, lốc xoáy, mưa đá… gây thiệt hại ở nhiều nơi, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lạm phát bước đầu được kiềm chế, mặt bằng lãi suất đã giảm, nền kinh tế có chiều hướng phục hồi; an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững; các tầng lớp nhân dân cả nước sôi nổi tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu, nhất là giá vật tư nông nghiệp còn cao gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân; nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí; nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm; hậu quả của đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi; đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo tiếp tục gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.

Chiều nay, trong phần làm việc được truyền hình trực tiếp, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo TTXVN

Tin xem nhiều