Sáng 30-5, tại phiên thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2013, các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp để vực dậy nền kinh tế...
Sáng 30-5, tại phiên thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2012; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013, các đại biểu đã kiến nghị nhiều giải pháp để vực dậy nền kinh tế...
*Đã có nhiều điểm sáng
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) năm 2012, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 4 tháng đầu năm 2013. Các đại biểu nhận định, trong điều kiện kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra trên diện rộng, Chính phủ đã điều hành quyết liệt, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đem lại nhiều kết quả tích cực như giá cả được kiềm chế, lãi suất ngân hàng giảm, cơ bản đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2013, nền kinh tế nước ta có nhiều điểm sáng, tốc độ tăng trưởng GDP so với cùng kỳ có nhiều tiến bộ, một số chính sách kích cầu hỗ trợ thị trường phát huy được tác dụng.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) |
Các đại biểu cho rằng, so với năm 2012, diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô rõ ràng đã có những chuyển biến tích cực hơn, thể hiện qua các dự báo như lạm phát được kiềm chế, lãi suất tiếp tục giảm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại có bước cải thiện, xuất khẩu tăng… Trong điều hành, Chính phủ đã chủ động và nỗ lực thực hiện các mục tiêu tổng quát về kinh tế xã hội năm 2013 theo Nghị quyết của Quốc hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), bước qua năm 2013, Chính phủ đã năng động, chủ động ban hành các nghị quyết hỗ trợ thị trường và với điều kiện hiện nay, lạm phát không còn là con ngựa bất kham. Theo đại biểu, thì đây cũng là thời điểm thuận lợi để tiến hành các biện pháp mạnh mẽ hơn để tái cơ cấu kinh tế theo các mục tiêu trung – dài hạn. Vì, nếu bỏ lỡ cơ hội, loay hoay với những biện pháp nhất thời, chẳng mấy chốc lạm phát quay trở lại và nền kinh tế đất nước lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể trong vài ba năm nữa để nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi và quay lại thế phát triển như thời kỳ vàng son năm 1991, 1996, 2001, 2007. Kinh tế không tăng trưởng được 7% – 8% mỗi năm trong vài thập niên, chúng ta đừng nghĩ rằng đạt mục tiêu công nghiệp hóa và không có tiền đề vật chất để giải quyết vấn đề tiến bộ xã hội – đại biểu Trần Du Lịch quả quyết.
*Số liệu thống kê vẫn chưa thực sự hợp lý
Trong thảo luận, các đại biểu cũng hẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế xã hội năm 2013 vẫn đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn còn băn khoăn về một số số liệu chưa ăn khớp giữa Báo cáo của Chính phủ với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và tình hình thực tế. Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, vấn đề sinh tử hiện nay là giải quyết nợ xấu, tồn kho bất động sản nhưng mức độ tin cậy của số liệu này là rất thấp. Năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng nợ xấu là 10% nhưng Thanh tra Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng 8,6%, trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Cùng thời gian, Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8; tháng 3/2013, Ngân hàng Nhà nước thông báo nợ xấu khoảng 6%. Cách đây vài ngày, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định lùi ngày áp dụng thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cho đến ngày 1/6/2014. Nếu áp dụng thông tư 02, nợ xấu hiện tại của một ngân hàng có thể chỉ từ 3% - 4% sẽ tăng lên 10 – 15% hoặc hơn nữa. Tồn kho bất động sản là bao nhiêu? Tại sao hơn 50.000 doanh nghiệp phá sản, ngưng hoạt động, các doanh nghiệp còn lại phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư, tài sản ngày càng giảm, mà tạo việc làm mới vẫn đều đặn hàng năm từ 1,5 – 1,6 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp hàng năm giảm...? “Ý kiến nhiều đại biểu băn khoăn về số liệu thống kê là có cơ sở. Không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng được” – đại biểu Nguyễn Văn Hiến nhận xét.
* Cần những giải pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế
Tuy đồng tình với 6 nhóm giải pháp Chính phủ đã nêu, nhưng khi đề xuất một số nhóm giải pháp cấp bách, cũng như những giải pháp phục vụ cho mục tiêu trung và dài hạn để vực dậy nền kinh tế, khôi phục niềm tin thị trường, các đại biểu cho rằng các nhóm giải pháp này vẫn chưa thực sự vững mạnh.
Theo đại biểu Trần Du Lịch, trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, phải xây dựng một chương trình mục tiêu trung hạn nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng GDP 6,5% - 7% trong 3 năm 2013 – 2015; có sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chi tiêu công; thực hiện những giải pháp giảm, miễn thuế 3 năm (đến 2015); ngăn chặn bội chi ngân sách dưới mức 4,8% GDP. Đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp như sử dụng một số hình thức để trả nợ các công trình đầu tư dang dở, ngân sách nợ, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp nhẹ, khách sạn, nhà hàng. Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong chính sách tín dụng, không để doanh nghiệp có thị trường nhưng không tiếp cận được vốn.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) |
[links(right)]Còn đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) thì đề nghị Chính phủ quan tâm làm rõ về trách nhiệm cá nhân của các Bộ, ngành trong việc cụ thể hóa thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH theo Nghị quyết 31 của Quốc hội về việc triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Bởi, việc triển khai tái cơ cấu nền kinh tế chậm, chưa căn bản, chưa tạo thành hệ thống, chưa phân bổ, sử dung các nguồn lực có hiệu quả. Do vậy, theo đại biểu Trương Văn Vở, ngoài việc tập trung xử lý các vần đề cấp bách, phải quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý, điều hành, thực hiện cơ chế huy động các nguồn lực để thực hiện các đột phá theo hướng ưu tiên các lĩnh vực, dự án có tác động lan tỏa cao, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu KT-XH, đảm bảo an dân ngay từ năm 2013. Đại biểu đề xuất 4 vấn đề: Thứ nhất là tháo gỡ nút thắt ngân hàng, thừa thanh khoản, thực hiện giải pháp phân bổ nguồn lực từ nguồn NSNN theo hướng thoát khỏi tầm nhìn hàng năm, thúc đẩy giải quyết nợ xấu. Thứ hai là có chính sách quan tâm việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư đô thị, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Thứ ba là kịp thời sửa đổi, bổ sung đồng bộ thể chế chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, quản lý và bảo vệ rừng, mà cụ thể là tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; hạn chế thấp nhất tình trạng phá rừng, trong đó có việc quan tâm xem xét và cho dừng triển khai, loại khỏi Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2011- 2020 tầm nhìn 2030, sơ đồ 7, đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. Thứ tư là cần phân định rõ cơ chế trách nhiệm cá nhân ở các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong năm 2013, không để lợi ích nhóm chi phối để tạo được chuyển biến mới trong quá trình tái cơ cấu nên kinh tế. >>>Xem chi tiết nội dung phát biểu thảo luận của đại biểu Trương Văn Vở
Trong khi đó, từ những phân tích về nợ xấu, hàng tồn kho lớn, các đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng đề nghị trước hết cần tập trung giải quyết nợ xấu, khơi thông dòng tiền, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng, khôi phục niềm tin cho thị trường và song song với đó là kiềm chế lạm phát. Cũng tại phiên thảo luận này, nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiệp – nông thôn, chính sách tỷ giá, giá vàng, phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng... cũng được các đại biểu đề cập.
P.V (Tổng hợp)